21 địa phương đã kết nối, đồng bộ dữ liệu 2 chiều về trợ giúp xã hội

08:58 - Thứ Năm, 23/05/2024 Lượt xem: 4424 In bài viết

Tới nay, có 21 địa phương đã kết nối, đồng bộ dữ liệu 2 chiều kết nối Cổng dịch vụ công Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và rà soát, cập nhật Cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội.

Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội, Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn số 2090/BLĐTBXH-CBTXH về việc tiếp tục thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và rà soát, cập nhật Cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội.

Văn bản nêu rõ, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 06) và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc kết nối Cổng dịch vụ công Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội. Đó là các văn bản: số 4946/LĐTBXH-BTXH ngày 1/12/2022, số 342/LĐTBXH-BTXH ngày 10/2/2023, 1850/LĐTBXH-BTXH ngày 22/5/2023, số 4546/LĐTBXH-BTXH ngày 26/10/2023.

Đến nay, có 61/63 địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu giữa 2 hệ thống, trong đó có 21 địa phương thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu 2 chiều, 39 địa phương thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu 1 chiều từ Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh sang Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ (trường hợp A1, Phụ lục 1 công văn 342/LĐTBXH-BTXH ngày 10/2/2023), 1 tỉnh đã kết nối theo trường hợp A2 công văn 342/LĐTBXH-BTXH ngày 10/2/2023, Khánh Hòa sử dụng trực tiếp trên Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ và tỉnh Lai Châu chưa hoàn thành kết nối.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương thực hiện kết nối 1 chiều (trường hợp A1) và chưa kết nối, hiện nay, cán bộ cơ sở đang phải thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên cả Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh và Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến.

Lý do thứ nhất là cán bộ lao động-thương binh và xã hội đang giải quyết chính sách trợ giúp xã hội và quản lý đối tượng trên Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ.

Lý do thứ hai là các hồ sơ trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh chưa được số hóa toàn bộ, vì vậy, việc đồng bộ dữ liệu sang Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ còn thiếu, phải nhập bổ sung nhiều thông tin gây khó khăn, mất thời gian xử lý.

Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các nội dung sau.

Trước hết, giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính về bảo trợ xã hội theo đúng quy định của Chính phủ trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Cùng với đó, đối với 39 tỉnh kết nối 1 chiều (A1) và 2 tỉnh chưa kết nối (Lai Châu, Khánh Hòa), giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan cung cấp Cổng Dịch vụ công Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh rà soát, hoàn thiện các lỗi kết nối và đồng bộ dữ liệu từ hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ sang Cổng dịch vụ công Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Đồng thời, giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan khẩn trương hoàn thành việc làm sạch, cập nhật, bổ sung dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội còn thiếu theo yêu cầu của hệ thống (căn cước công dân, định danh cá nhân, giới tính, dân tộc, số và ngày quyết định hưởng chính sách, thông tin tài khoản ngân hàng...); cập nhật biến động tăng, giảm hằng tháng, tổng hợp báo cáo và lập danh sách chi trả trên Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện chi trả chế độ chính sách trợ giúp xã hội qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác).

Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Cục Bảo trợ xã hội) trước ngày 30/5/2025.

Tới hết năm 2023, cả nước đang thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 3,3 triệu người đối tượng bảo trợ xã hội và 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng.

Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ước đạt hơn 27.000 tỷ đồng. 14 tỉnh, thành phố chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp cao hơn mức quy định cho khoảng 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng.

Công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích được triển khai tại 61 tỉnh, thành phố với hơn 11.000 điểm chi trả bao phủ đến tận xã, phường. Các phương thức chi trả bảo đảm thuận tiện và phù hợp đặc điểm của đối tượng thụ hưởng chính sách.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top