Tuổi trẻ Điện Biên tiên phong chuyển đổi số (bài 3)

11:12 - Thứ Sáu, 31/05/2024 Lượt xem: 4378 In bài viết

Bài 3: Chuyển đổi số hướng về cộng đồng

ĐBP - Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, khả năng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tuổi trẻ tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều hoạt động tiên phong trong chuyển đổi số. Hầu hết hoạt động, công trình, phần việc chuyển đổi số đều hướng đến người dân và cộng đồng.

Bài 2: Nỗ lực hiện thực hóa chuyển đổi số

Bài 1: Khắc phục điểm nghẽn chuyển đổi số vùng cao

Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh nghiên cứu phát triển wedsite giúp đỡ đồng bào dân tộc tiểu số dễ dàng hơn khi học bằng lái xe mô tô.

Sáng tạo cách hỗ trợ người dân

Dù đang tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhưng khi chúng tôi đến tìm hiểu về website học bằng lái xe mô tô cho người dân tộc thiểu số, em Mùa Thị Nính, lớp 12C5, Trường Phổ thông DTNT tỉnh cùng các thành viên dự án “website hocbanglaixemay.com” đều rất hào hứng giới thiệu. Em Nính tâm sự: “Không chỉ là người đồng bào dân tộc thiểu số, chúng em còn là những đoàn viên, thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường nên bạn nào cũng muốn góp sức trẻ của mình vào sự phát triển chung của cộng đồng. Nhận thấy nhiều người dân tộc thiểu số gặp khó khăn khi tiếp cận với các phần thi bằng lái xe máy hạng A1 vì chưa biết tiếng phổ thông, mà phần mềm hướng dẫn đều tiếng phổ thông. Vì lẽ đó, chúng em hình thành ý tưởng thiết kế trang web dạy học lái xe bằng tiếng dân tộc thiểu số vừa giúp mọi người dễ dàng học và thi bằng lái xe mô tô, vừa góp phần thực hiện công cuộc chuyển đổi số”.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, nhóm của Mùa Thị Nính đã xây dựng và thiết kế website hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt. Website đã chuyển đổi tài liệu ôn thi bằng lái xe máy phần lý thuyết, như: Quy định về cấp giấy phép lái xe, các câu hỏi lý thuyết, các loại biển báo giao thông đường bộ, mẹo thi, đề thi thử sát hạch, văn hóa giao thông… sang “phiên bản tiếng Mông” thông qua file âm thanh tiếng Mông và chữ tiếng Việt giúp người Mông luyện thi. Trong thời đại công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, thầy và trò nhà trường tiếp tục phát triển website và phiên dịch ra nhiều tiếng dân tộc khác như: Thái, Si La, Cống… với tên gọi “Website hocbanglaixemay.com - giải pháp ôn luyện giấy phép lái xe máy hạng A1 cho người dân tộc thiểu số chưa sử dụng được tiếng Việt”.

Tuổi trẻ huyện Điện Biên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bạn Chảo Thế Anh, lớp 12C5, Trường Phổ thông DTNT tỉnh chia sẻ: “Sau phiên bản tiếng Mông đã hoàn thiện, thầy và trò tiếp tục phát triển dự án với tiếng dân tộc: Thái, Si La, Cống. Xác định việc hoàn thiện các phiên bản ngôn ngữ phải đúng nhu cầu, phù hợp khả năng tiếp thu của người dân và văn hóa dân tộc, chúng em đã sưu tầm thông tin, hình ảnh, video về Luật Giao thông đường bộ và bộ đề thi sát hạch lái xe hạng A1, thu âm thành các file tiếng Mông, Thái, Cống, Si La; đồng thời liên kết giới thiệu về văn hóa và du lịch của tỉnh Điện Biên. Dự án của chúng em luôn hướng đến giá trị cộng đồng, trước hết là mang lại tiện lợi cho chính bà con dân bản. Đến nay, website hocbanglaixemay.com đã có gần 23.000 lượt truy cập.

Với tinh thần năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học công nghệ cùng tinh thần xung kích của tuổi trẻ, sau cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng, sáng kiến”, toàn tỉnh đã đề xuất gần 20.000 ý tưởng, sáng kiến đăng tải trên Cổng thông tin ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam, trong đó 259 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên được ứng dụng (năm 2023). Hầu hết ý tưởng, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên đều mang tính ứng dụng thực tiễn cao và luôn vì sự phát triển chung của địa phương và cộng đồng. Vì lẽ đó, các huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã tạo điều kiện, môi trường thúc đẩy tinh thần sáng tạo của đoàn viên, thanh niên và hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng.

Bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh được hướng dẫn khai báo lưu trú qua ứng dụng VNeID.

Đề án 06 đến với nhân dân

Tuổi trẻ Điện Biên đã chung tay đưa Đề án 06 đến với người dân. Trong đợt cao điểm triển khai thực hiện Đề án 06 không khó để thấy hình ảnh đoàn viên, thanh niên xuống cơ sở hỗ trợ nhân dân. Chúng tôi còn nhớ, những ngày tháng 4/2023, ngay từ đầu giờ sáng, đoàn viên, thanh niên thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) cùng lực lượng công an và Tổ Đề án 06 địa phương đã có mặt tại Nhà văn hóa bản Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo để đón tiếp, hỗ trợ người dân tạo lập tài khoản định danh điện tử. Tranh thủ thời gian, các bạn đoàn viên thanh niên và thành viên trong tổ đã hướng dẫn tỉ mỉ, nhiệt tình, hỗ trợ người dân. Mỗi người một việc, song các bạn trẻ đều nỗ lực hướng dẫn bà con từ việc kiểm tra sim điện thoại chính chủ, cấu hình điện thoại thông minh đến các thủ tục đăng ký, giấy tờ tùy thân cần mang theo.

Chị Bạc Thị Anh Thơ, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Tuần Giáo chia sẻ: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Đoàn Thanh niên thị trấn đã phối hợp với các đơn vị, đoàn thể xuống từng khối, bản, hộ gia đình để vận động nhân dân tích hợp định danh điện tử. Chúng tôi còn viết bài tuyên truyền trên các nhóm zalo, fanpage, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tuyên truyền đến từng bản, từng nhà để hướng dẫn đăng ký và kích hoạt cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ công tác cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân ngay tại các buổi họp thôn bản”.

Đoàn thanh niên phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) hỗ trợ cài đặt, đăng ký và kích hoạt định danh điện tử cho người dân trên địa bàn.

Đoàn viên, thanh niên đã trở thành lực lượng nòng cốt trong đội hình tình nguyện ra quân cao điểm, hỗ trợ thu nhận hồ sơ định danh điện tử, tuyên truyền, hướng dẫn, cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID, hướng dẫn khai báo lưu trú cho người dân. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ tiền mua sim cho người dân; phối hợp với các nhà mạng hỗ trợ chuyển đổi sim chính chủ nhằm cài đặt, kích hoạt tài khoản…

Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt, kích hoạt ứng dụng định danh điện tử.

Tính đến ngày 14/5/2024, lực lượng đoàn viên, thanh niên các cấp đã hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt, kích hoạt ứng dụng định danh điện tử cho 115.603 người dân; hướng dẫn 811 trường hợp khai báo lưu trú qua ứng dụng VNeID tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hơn 4.000 trường hợp khai báo lưu trú tại Trung tâm Y tế các huyện. Những hoạt động, phần việc cụ thể của tuổi trẻ Điện Biên đã từng bước nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số; đưa Đề án 06 đến gần hơn với người dân.

Bài 4: Dấu ấn tuổi trẻ chuyển đổi số

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top