Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

09:25 - Thứ Năm, 06/06/2024 Lượt xem: 4488 In bài viết

ĐBP - Đào tạo nghề để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ này đã và đang được huyện Tủa Chùa chú trọng thực hiện, triển khai đồng bộ theo hướng đổi mới và gắn với nhu cầu thực tiễn.

Trong tháng 5, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức khai giảng các lớp đào tạo nghề đợt 2 năm 2024. Trong ảnh: Khai giảng lớp Kỹ thuật trồng - quản lý dịch hại trên cây lúa, tại thôn Háng Sung 1, xã Tả Phìn.

Lớp học kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa tổ chức thu hút hơn 30 học viên, hầu hết là hội viên Hội Nông dân và các hộ gia đình trên địa bàn thôn Đề Can Hồ (xã Trung Thu) tham gia. Nội dung lớp học được giáo viên phụ trách xây dựng giáo trình cụ thể với nhiều hình thức chuyển giao kiến thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài giảng và hướng dẫn cụ thể ngay trên cây trồng, giúp học viên dễ hiểu và nắm bắt hiệu quả nội dung các bài học. Bên cạnh cung cấp kiến thức cần thiết, lớp học còn thực hiện những thí nghiệm đơn giản, dễ làm để nông dân tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hiểu được tác hại của việc lạm dụng thuốc, phân bón đối với hệ sinh thái đồng ruộng. Từ đó, làm thay đổi nhận thức, khắc phục những nhược điểm trong suy nghĩ và tập quán canh tác cũ, tiếp cận với phương pháp mới.

Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa truyền đạt kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi dê cho người dân bản Phô, xã Trung Thu.

Chị Giàng Thị Dung, thôn Đề Can Hồ cho biết: Lớp học giúp tôi trang bị những kiến thức bổ ích về quản lý dịch hại cho cây trồng một cách có hệ thống và cách phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, giảm được nhiều chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tôi còn được giáo viên cho áp dụng thực tế, làm thực hành tại ruộng nên thấy rất dễ hiểu, dễ nhớ và tự tin hơn trong việc trồng, chăm sóc và xử lý dịch bệnh cho cây ngô.

Người dân bản Phô, xã Trung Thu tham gia thực hành tại lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho dê.

Cùng với lớp học trên, từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa đã mở 40 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.391 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Ông Lê Sỹ Tường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa cho biết: Các lớp đào tạo nghề kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành tại chỗ, bảo đảm cho học viên thành thạo các kỹ năng. Thông qua các lớp đào tạo nghề đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của lao động nông thôn, học viên nắm chắc kiến thức, kỹ năng nghề, vận dụng ngay vào việc trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình. Do vậy, có hơn 80% học viên học xong các lớp đào tạo nghề có việc làm, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa cấp chứng chỉ cho học viên tham gia đào tạo nghề đợt 1, năm 2024, trình độ đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.

Để triển khai có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Tập trung phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiệu quả của học nghề đối với tăng thu nhập cho các hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo cùng các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm và các trường hợp cụ thể đã có việc làm, thu nhập ổn định sau khi học nghề.

Người lao động thôn Đề Can Hồ (xã Trung Thu) thực hành tại lớp học kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô.

Đồng thời, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức đoàn thể phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề tại địa phương. Phân loại đối tượng để dạy nghề, đào tạo nghề phải gắn với thị trường lao động, nhu cầu thực tế. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty, doanh nghiệp tư vấn, tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Đại diện chính quyền xã Trung Thu thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tủa Chùa cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tại như công tác tuyên truyền, tư vấn chọn nghề, rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chỉ đạo triển khai, tuyên truyền chưa thường xuyên, kịp thời; nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề từ các chương trình mục tiêu chậm được phân bổ… Thời gian tới, huyện Tủa Chùa tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội về vai trò của đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình học nghề phù hợp với điều kiện địa phương để giúp học viên tìm kiếm nghề phù hợp và ổn định sau đào tạo, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của huyện.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top