Không chủ quan với nguy cơ tai nạn lao động tại công trình xây dựng

11:38 - Chủ Nhật, 16/06/2024 Lượt xem: 4615 In bài viết

ĐBP - Công trường xây dựng luôn là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động (ATLĐ). Vì vậy, các nhà thầu thi công cần chú trọng nâng cao biện pháp đảm bảo ATLĐ và nhận thức cho người lao động; trang cấp đầy đủ thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động, tránh thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản do tai nạn lao động gây ra.

Tại nhiều công trình sử dụng lao động tự do, công tác an toàn lao động chưa được coi trọng.

Theo quy định pháp luật, ATLĐ trong xây dựng là trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và công nhân để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa sự cố làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tham gia thi công, tài sản, trang thiết bị xây dựng. Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật về ATLĐ của một số doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm; người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình về an toàn, vệ sinh lao động. Nhiều người lao động chưa chấp hành nghiêm pháp luật về ATLĐ, vẫn còn chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không chú trọng sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp phát.

Những năm qua, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thanh tra tại các công trình xây dựng (sử dụng vốn ngân sách Nhà nước) thì đa số những công trình này đều có những vi phạm như: Chưa cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; chưa cử cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động; trong quá trình thi công không có biện pháp an toàn…

Đơn cử, kiểm tra tại công trình xây dựng nâng cấp đường bản Ten Cá, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo), đoàn thanh tra phát hiện nhiều vi phạm: Công nhân chưa được huấn luyện an toàn; chưa có hệ thống đèn chiếu sáng trên đường đi và khu vực thi công về ban đêm để phục vụ tăng ca; chưa lập sơ đồ các tuyến đường vận tải cho phương tiện vận tải cơ giới, thủ công; ngoài biển giới hạn tốc độ, chưa lắp đặt hệ thống biển báo giao thông tại các tuyến đường trên công trường.

Để giảm thiểu tai nạn lao động, hoạt động tư vấn, tập huấn, huấn luyện, hướng dẫn kỹ năng làm việc an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được một số doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện. Từ năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức 63 lớp tập huấn, huấn luyện về ATLĐ cho hơn 13.000 người; Hội Nông dân tỉnh tổ chức 2.450 buổi tuyên truyền có lồng ghép nội dung về ATLĐ cho 122.500 lượt hội viên; các doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện ATLĐ cho 1.598 người sử dụng lao động, người làm công tác ATLĐ và người lao động...

Công nhân thi công dự án Nhà khách tỉnh được trang bị đồ bảo hộ. (Ảnh chụp tháng 4/2024).

Theo ông Nguyễn Quốc Quân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, công tác đảm bảo ATLĐ luôn được đơn vị quan tâm, yêu cầu các nhà thầu thi công thực hiện trang bị bảo hộ cho người lao động và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công. Cán bộ giám sát tại công trường tăng cường nắm bắt, nhắc nhở đơn vị thi công đảm bảo các điều kiện ATLĐ. Tuy nhiên, do ý thức chưa cao của người chủ sử dụng lao động và chính bản thân người lao động nên vẫn còn trường hợp vi phạm.

Từ năm 2023 đến nay, qua thanh tra toàn tỉnh đã phát hiện 44 hạn chế và vi phạm về ATLĐ; cơ quan chức năng đã kiến nghị, yêu cầu các đơn vị được thanh tra nghiêm túc khắc phục các tồn tại, hạn chế. Qua thống kê, tại khu vực có quan hệ lao động đã để xảy ra 4 vụ tai nạn lao động làm chết 4 người. Ngoài ra, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm 4 người chết thuộc 3 doanh nghiệp không có trụ sở chính đóng chân trên địa bàn. Khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 12 vụ tai nạn lao động, làm chết 2 người, bị thương nặng 7 người. Những địa phương có nhiều vụ tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động gồm: Điện Biên Đông 4 vụ, Tủa Chùa 4 vụ, Mường Ảng 3 vụ, Điện Biên 1 vụ.

Cán bộ, người lao động và đại diện các doanh nghiệp tỉnh diễu hành hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024.

Để hạn chế tai nạn lao động, bên cạnh sự vào cuộc cơ quan chức năng, người lao động cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn. Đồng thời tuân thủ đúng quy định, quy trình làm việc; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATLĐ để tự bảo vệ bản thân.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top