Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1-7

09:13 - Thứ Sáu, 21/06/2024 Lượt xem: 4094 In bài viết

Chiều 20-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt phóng viên, biên tập viên nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm

Tại họp báo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất với phương án chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, thay vào đó sẽ tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2024.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại họp báo. Ảnh: Hiền Thu

Nhấn mạnh cải cách chính sách tiền lương là vấn đề hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, tác động tới hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong khu vực công cũng như tác động tới 50 triệu đối tượng hưởng các chính sách gắn với lương cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, khi triển khai vấn đề này, phải thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, toàn diện, không thể nóng vội...

Từ tháng 12-2023 đến nay, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đã có 21 cuộc họp cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để ra được phương án cải cách tiền lương tốt nhất. Quan điểm và nguyên tắc đầu tiên là bảo đảm sự hài hòa, tương quan giữa các đối tượng, công bằng, bình đẳng và phải thực hiện từng bước theo lộ trình, rõ đến đâu làm đến đó, khó khăn, vướng mắc, bất cập không được nôn nóng mà phải thận trọng nghiên cứu kỹ hơn.

Đặc biệt, khi đã cải cách tiền lương thì phải tăng lương, chính vì vậy phải bám sát Nghị quyết 27 để nghiên cứu phương án phù hợp nhất.

Trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã quyết phương án: Sẽ điều chỉnh mức lương của người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ ngày 1-7-2024 là 6%; thực hiện công tác quản lý theo cơ chế thông thoáng tạo điều kiện phát triển, nâng cao đời sống người lao động.

Đối với thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, phải thực hiện thận trọng, theo lộ trình, hợp lý, chắc chắn, hiệu quả nhất, an toàn nhất, không gây xáo trộn, đạt được mục tiêu đồng thời tăng cho tất cả đối tượng hưởng lương từ ngân sách, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong Nghị quyết 27. Cụ thể, nâng lương theo vị trí việc làm, năng lực; thực hiện điều rất mới là bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thưởng đột xuất, thưởng thành tích hằng năm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Việc này độc lập hoàn toàn với Luật Thi đua - Khen thưởng và Quỹ Thi đua khen thưởng.

Đồng thời, thống nhất để hướng dẫn cách thức cụ thể, chặt chẽ về các nguồn bảo đảm cải cách tiền lương (có 5 nguồn, trong đó sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một nguồn để thực hiện). Bên cạnh đó, quyết định thống nhất hướng dẫn thực hiện quản lý tiền lương, thu nhập đối với các đơn vị, trong đó, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, hiện còn vướng mắc phát sinh là thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh lãnh đạo. Việc này chưa thực hiện luôn mà theo lộ trình.

Nếu thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công thì mức tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%, không bao gồm tiền thưởng, từ đó xác định mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng một tháng (tăng 30%). Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng được tăng tương ứng mức 30%.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, khi xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo phát sinh một số vấn đề. Khi bãi bỏ lương cơ sở với chức vụ, chức danh lãnh đạo và bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức, tương quan giữa các đối tượng chưa bảo đảm.

“Trước tình hình như vậy, buộc chúng ta chọn phương án tối ưu, hợp lý, công bằng, hiệu quả, đó chính là điều chỉnh tăng đều 30%, trên cơ sở giữ mức lương cơ sở. Việc này không tác động và ảnh hưởng tới quy định của Đảng, Nhà nước gắn với lương cơ sở”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Hiền Thu

Cũng tại họp báo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã chủ động đôn đốc các địa phương khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Đến nay, 54/54 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đã hoàn thiện phương án tổng thể thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trong đó, 18/54 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đã gửi hồ sơ để thẩm định.

Trong quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc về phân loại đô thị, tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính và kinh phí thực hiện, Bộ Nội vụ đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành theo thẩm quyền Nghị quyết để các địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện bảo đảm đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30-9-2024).

Bộ Nội vụ cũng đang tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tiến hành khảo sát, xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, phấn đấu đạt mục tiêu đến tháng 9-2024 sắp xếp 140 đơn vị...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top