Báo chí cách mạng trước cuộc cạnh tranh thông tin thời 4.0:

Cơ hội, áp lực để báo chí tiếp tục đổi mới

09:21 - Thứ Sáu, 21/06/2024 Lượt xem: 4400 In bài viết

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) ngày càng phát triển vượt bậc, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của xã hội, báo chí không chỉ phải cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới, nhất là trên môi trường số.

Khó khăn nảy sinh ngày một nhiều hơn, thách thức là không nhỏ nhưng đó cũng là cơ hội, là áp lực để báo chí tiếp tục đổi mới, nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh thông tin.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Phúc

1. Có lẽ là không thừa khi nhắc lại rằng, kể từ khi các phương tiện truyền thông mới, nhất là truyền thông xã hội, điển hình như Facebook, YouTube, TikTok... xuất hiện, báo chí truyền thống đã bị tác động đáng kể. Không ít tờ báo in, kể cả những tờ báo có truyền thống, nổi tiếng trên thế giới cũng phải ngừng phiên bản báo in.

Ví như một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Anh là The Independent (Độc lập) đã ngừng xuất bản báo giấy từ ngày 26-3-2016; nhật báo Wiener Zeitung của Áo - tờ báo in quốc dân lâu đời nhất thế giới - đã phát hành bản in cuối cùng ngày 30-6-2023, sau 320 năm hoạt động...

Với những tờ báo in đang hoạt động, số lượng phát hành sụt giảm một cách khủng khiếp và chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Không chỉ báo in lâu đời nhất, các loại hình báo chí ra đời sau này như phát thanh, truyền hình, báo điện tử cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới. Điều này xảy ra trên khắp thế giới, không loại trừ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, báo chí buộc phải tìm hướng thích nghi, tồn tại, khẳng định vị thế của mình.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 5-2023, chúng ta đã hoàn thành giai đoạn 1 việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; đang tiến hành giai đoạn 2, trong đó có thúc đẩy phát triển báo chí và chấn chỉnh hoạt động.

Đến tháng 12-2023, cả nước có 882 cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình, được chia thành 4 khối: Khối báo chí địa phương (bao gồm báo, tạp chí thuộc tỉnh, thành phố, tạp chí thuộc hội văn học nghệ thuật của các địa phương): 143 đơn vị; Khối báo chí trung ương (Khối Đảng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, hội trung ương, cơ quan thuộc tập đoàn, tổng công ty, nhà xuất bản): 347 đơn vị; Khối đài, bao gồm: Cơ quan hoạt động phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình): 72 đơn vị; Khối tạp chí khoa học: 320 đơn vị. Trong đó, nhiều cơ quan báo đã chuyển thành tạp chí. Việc thực hiện quy hoạch nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Thực tế thời gian qua, báo chí Việt Nam đã có sự chuyển đổi nhanh chóng, tích cực, hiện đại nhằm mục đích thích ứng với bối cảnh mới, từng bước làm chủ mặt trận thông tin, nhất là trên không gian mạng. Những bước chuyển đổi rất quan trọng nhằm giành ưu thế trong cạnh tranh thông tin có thể dễ dàng nhận thấy, đó là sự thay đổi cách thức chuyển tải thông tin trên báo in, đầu tư nhiều hơn cho các thể loại thuộc nhóm chính luận. Hầu hết các tờ nhật báo, như Nhân Dân, Lao Động, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Hànộimới... đều chú trọng dành thông tin thời sự cập nhật cho phiên bản điện tử, trong khi bản in dành “đất” để đăng tải những thông tin chuyên đề, chuyên sâu, những thể loại báo chí đòi hỏi đầu tư công sức, trí tuệ hơn như bình luận, điều tra, phóng sự, tổ chức các trang chuyên đề, loạt bài, nhóm bài.

Thông tin trên báo in được chú trọng đầu tư hơn những yếu tố quan trọng mà các phương tiện truyền thông xã hội khó đáp ứng được, đó là sự phân tích, bình luận, nêu quan điểm, chính kiến, đề xuất giải pháp nhằm góp phần “mổ xẻ” gốc rễ, căn cốt vấn đề được đề cập, giúp bạn đọc có cái nhìn thấu đáo, sâu sắc, chính xác về vấn đề báo chí đề cập, qua đó góp phần định hướng dư luận xã hội một cách kịp thời, hiệu quả. Thông tin thuộc nhóm chính luận cũng được các loại hình báo chí khác như phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử triển khai một cách mạnh mẽ.

Sự chuyển đổi khác cũng dễ thấy, đó là việc các báo điện tử chú trọng những hình thức thể hiện mới, được đầu tư nhiều công sức, kinh phí, trí tuệ hơn như các bài, loạt bài chuyên đề chuyên sâu, chuyên biệt với các tên gọi như Longform, E-Magazine, Megastory... Hình thức thể hiện tác phẩm báo chí dạng thức này hội tụ nhiều loại hình báo chí trong một tác phẩm, gồm cả phát thanh (audio), truyền hình (video) cũng như việc thiết kế, trình bày như tạp chí... Có thể kể đến các báo được xem là dẫn đầu xu hướng này như Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Vietnamnet, Dân Trí...

Sự chuyển đổi nữa để thích ứng với bối cảnh truyền thông mới, trong cuộc chuyển đổi số nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh thông tin đến đông đảo công chúng, đó là các cơ quan báo chí đều chú trọng truyền tải thông tin trên nền tảng số, trên các phương tiện truyền thông xã hội. Rất nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tạo lập, vận hành khá hiệu quả các trang thông tin của cơ quan báo chí trên các mạng xã hội phổ biến, nhiều người dùng như Facebook, Zalo, TikTok, YouTube. Việc cung cấp thông tin cũng được đầu tư cả về nhân lực và vật lực, ưu tiên, chú trọng cách thông tin nhanh nhạy, ngắn gọn, phù hợp, thích ứng với từng nền tảng, nhắm đến các đối tượng công chúng khác nhau. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang và tiếp tục đồng hành với các cơ quan báo chí một cách thiết thực, hiệu quả bằng cách hỗ trợ về tài chính, nhân lực, hạ tầng, những vấn đề liên quan đến mô hình báo chí với mục đích giúp báo chí làm tốt hơn sứ mệnh của mình, nhất là trong việc định hướng dư luận xã hội.

3. Những bước chuyển đổi mau chóng, hiệu quả dễ thấy kể trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng còn những bất cập nhất định trong sự chuyển đổi để thích ứng, làm chủ trong cuộc cạnh tranh thông tin thời 4.0. Năm 2023, lần đầu tiên Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí với 5 mức: Xuất sắc, tốt, khá, trung bình và yếu. Đáng bận tâm là có tới 63% số cơ quan báo chí bị xếp ở mức yếu (dưới 50/100 điểm). Top 10 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc là: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo VnExpress, Báo Lao Động, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo VietnamPlus, Báo Vietnamnet, Báo điện tử VTC News, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Báo Người Lao Động.

Ngày 15-3, tại Hội báo toàn quốc năm 2024, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - đề nghị giới báo chí cần chủ động, đoàn kết tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ bản quyền, đấu tranh chống tin giả, đẩy lùi thông tin xấu độc, thông tin sai lệch, xuyên tạc, để thông tin báo chí chính thống trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong không gian số, góp phần xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, phục vụ từng độc giả, khán thính giả, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, báo chí cần tích cực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường đào tạo nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm nghiên cứu công chúng và xu hướng báo chí truyền thông hiện đại. Các tác phẩm báo chí cần bảo đảm về tính định hướng, tính chuyên biệt, tính hấp dẫn và tính cá nhân hóa...

Đó cũng chính là những điều kiện tiên quyết để báo chí giành lợi thế vượt trội trong cuộc cạnh tranh thông tin thời 4.0 vô cùng gay gắt hiện nay.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top