Vấn đề kỳ này

Cần kịp thời sửa chữa các công trình nước sinh hoạt kém hiệu quả

11:27 - Thứ Tư, 10/07/2024 Lượt xem: 3218 In bài viết

ĐBP - Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữa hàng trăm công trình nước sinh hoạt. Hiện toàn tỉnh có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bảo đảm cấp nước sạch cho 99,6% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 84,92% dân số khu vực nông thôn. Toàn tỉnh có 76/115 xã đạt tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 30%, giúp nâng cao chất lượng sống.

Mặc dù vậy, do nhiều bất cập trong quản lý sau đầu tư, nên hiện nay có hàng trăm công trình cấp nước tập trung ở nông thôn hoạt động kém hiệu quả, không bền vững hoặc xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa. 

Tại các huyện vùng cao: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà… cứ vào mùa khô là xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nhiều trường học phải cắt cử giáo viên, học sinh thường xuyên đi lấy nước mó cách xa chỗ ở hàng cây số về dùng dè dặt trong ngày. Với bà con nông dân, việc các thành viên trong gia đình thay nhau đi lấy nước sinh hoạt về dùng đã thành thói quen và cứ lặp đi lặp lại hàng năm mỗi khi vào mùa Hè.

Nguyên nhân các công trình xuống cấp, không phát huy hiệu quả, do ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã và cộng đồng dân cư quản lý, cán bộ vận hành không được đào tạo chuyên nghiệp. Nhiều công trình có công suất nhỏ, được đầu tư xây dựng nhiều năm đã hết khấu hao. Ngoài ra, nhiều công trình bị hỏng do ảnh hưởng bởi thiên tai, nước nguồn cạn kiệt, suy giảm chất lượng nước… trong khi đó ngân sách địa phương không bố trí đủ để duy tu, sửa chữa kịp thời, dẫn đến xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ở một số nơi cơ chế tài chính còn bất cập. Phần lớn công trình cấp nước ở nông thôn do cá nhân, nhóm người tự đứng ra quản lý... nên không thể thu phí. Hiện chưa có hướng dẫn ban hành khung giá nước sinh hoạt nông thôn cho các công trình dạng này, do vậy các thôn, bản tự ra hương ước, quy định về mức thu bằng tiền hoặc thóc theo mùa vụ. Với một số công trình khác, giá nước thu cũng mỗi nơi một khác, thường thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất, dẫn tới thu không đủ bù chi, thậm chí không đủ để trang trải cho đội ngũ cán bộ, công nhân quản lý, vận hành và sửa chữa nhỏ. Một số địa phương chỉ chú trọng xây dựng công trình mới mà chưa quan tâm đến việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cũ. Ở những xã, bản vùng sâu, biên giới, ý thức của một bộ phận người dân trong việc sử dụng nước và bảo vệ công trình chưa cao…

Xác định, cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Do đó, bảo vệ, sử dụng, khai thác hiệu quả, bền vững, gắn với huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác công trình nước sinh hoạt cho nhân dân vùng nông thôn là rất cần thiết.

Với điều kiện đặc thù là tỉnh miền núi khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp... cho nên mục tiêu đưa nước sinh hoạt về phục vụ nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các ngành tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Từng bước hoàn thành mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho các địa bàn, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan và chính quyền cấp huyện phải thường xuyên rà soát nhu cầu, cân đối nguồn ưu tiên kinh phí đầu tư xây mới, sửa chữa các công trình cấp nước cho nhân dân theo Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, phấn đấu có 65% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn; đến năm 2045, phấn đấu 100% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch.

Ðể thực hiện mục tiêu đó, thời gian tới các sở, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương cần chuyên nghiệp hơn trong công tác quản lý khai thác, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình cấp nước nông thôn để hoạt động một cách ổn định, hiệu quả, bền vững; khuyến khích phát triển mô hình công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý khai thác các công trình. Cùng với đó, rà soát các công trình hư hỏng, xuống cấp để lập dự toán, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sửa chữa. Một mặt, huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ công trình cấp nước nhưng có sự hỗ trợ về chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật của đơn vị chuyên trách. Từng bước chuyển dần từ xu hướng cấp nước phục vụ người dân sang định hướng dịch vụ đối với các vùng, khu vực có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng nước, đảm bảo công trình được phát huy hiệu quả, ổn định lâu dài. Các ngành, địa phương phải chủ động lồng ghép nguồn từ các chương trình, dự án khác đầu tư xây dựng thêm công trình cấp nước sinh hoạt, nước sạch đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top