Chống rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực

09:17 - Thứ Sáu, 12/07/2024 Lượt xem: 3764 In bài viết

ĐBP - Phong trào “Chống rác thải nhựa” được các cấp Hội Phụ nữ thiết thực triển khai trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của hội viên và người dân trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững.

Mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa được triển khai tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

Thay vì dùng túi ni lông đi chợ như trước đây, nhiều năm nay, chị Lê Thu Hòa, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) duy trì thói quen sử dụng làn để đi mua thức ăn, nhằm cắt giảm tối đa sử dụng sản phẩm nhựa từ túi ni lông. Trong sinh hoạt hàng ngày, gia đình chị cũng tích cực sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà góp phần từng bước giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Cùng quan điểm như chị Hòa, chị Nguyễn Thị Hương, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) cũng duy trì thói quen phân loại rác thải tại nhà. Hàng ngày, chị Hương chia rác thải thành 3 loại gồm rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Việc phân loại rác vừa giúp các thành viên trong gia đình nhận diện các loại rác thải vừa nhắc nhở mọi người không được vứt rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Theo chị Hương chia sẻ, nhiều lần tham gia những buổi truyền thông về chống rác thải nhựa của hội phụ nữ tổ chức đã giúp chị hiểu được tác hại của rác thải nhựa và quyết định chung tay, góp sức bằng những việc làm cụ thể. Không chỉ chủ động thu gom, phân loại rác thải, chị Hương còn tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia phòng chống rác thải nhựa ngay tại gia đình.

Hội viên phụ nữ thị trấn Tủa Chùa tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại và xử lý rác tại các thôn, bản, tổ dân phố.

Cùng với chị Hòa, chị Hương, từ phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội LHPN tỉnh triển khai, đã có hàng trăm nghìn phụ nữ trên toàn tỉnh thực hành giảm thiểu rác thải nhựa trong đời sống hàng ngày. Từ việc thu gom phế liệu của gia đình, Hội LHPN các cấp đã tích cực triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa. Từ đó lan tỏa những hành động đẹp, góp phần bảo vệ môi trường và gây quỹ để giúp đỡ những hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Tại huyện Tủa Chùa, xuất phát từ thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, với các loại phế liệu như vỏ lon, chai nhựa… sau khi sử dụng thường bị vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa. Sau một thời gian thực hiện, mô hình đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong thu gom rác thải nhựa và xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, thực hiện tiêu chí 3 sạch, phân loại rác.

Mô hình "Tái chế rác thải nhựa thành gạch sinh thái" của Hội LHPN huyện Mường Chà.

Chị Vì Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tủa Chùa cho biết: Hội LHPN huyện đã triển khai 100% cơ sở Hội trên địa bàn huyện thực hiện mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa để gây quỹ ủng hộ các chị em phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, trên địa bàn xã, thị trấn, các mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa đã và đang phát huy hiệu quả. Số tiền thu được từ mô hình được dùng để hỗ trợ cho những hội viên và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực nên được nhiều hội viên phụ nữ tham gia nhiệt tình. Với hiệu quả của mô hình, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục duy trì và xây dựng thêm nhiều mô hình này trong thời gian tới.

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” của Hội LHPN tỉnh, các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương. Cụ thể như, mô hình thu gom phế liệu “Biến rác thải thành tiền”; mô hình “Làn nhựa đi chợ, tủ lạnh không túi ni lông”; “Phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”; “Thu gom và phân loại rác thải”; “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Sọt rác gia đình”; “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”; mô hình “Xây dựng nhà đốt rác cộng đồng”… Hội LHPN các cơ sở chỉ đạo các chi hội, tổ phụ nữ tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời, tuyên truyền trên trang thông tin của Hội, các trang mạng xã hội nhóm zalo, facebook đến đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân nhằm thay đổi, từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Với sự đồng hành, hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị địa phương, sự tham gia tích cực của các hội viên phụ nữ, những con đường sáng, xanh, sạch, đẹp, con đường hoa dần hiện hữu, diện mạo nông thôn dần đổi thay.

Phụ nữ Mường Nhé tham gia mô hình thu gom phế liệu “biến rác thải thành tiền”. Ảnh: CTV

Đánh giá về hiệu quả của phong trào “Chống rác thải nhựa”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Thu Thủy cho biết: Qua 5 năm thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, hoạt động của các mô hình đã góp phần hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên phụ nữ và nhân dân về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa, góp phần hạn chế tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường. Đồng thời, hoạt động của các mô hình đã biến rác thành thương phẩm, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ nhiều phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi.

Mô hình câu lạc bộ thu gom phế liệu tại Chi hội phụ nữ thôn Thanh Bình, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên).

Phát huy những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng và lan toả sâu rộng những cách làm hay, những mô hình hoạt động hiệu quả; tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tốt việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay các sản phẩm làm từ nhựa... Để công tác bảo vệ môi trường thật sự bền vững, phong trào “Chống rác thải nhựa” không chỉ được sự hưởng ứng từ đông đảo hội viên, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh mà cần được triển khai rộng tới công đồng dân cư, các nhà trường và trong cộng đồng.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top