Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024

15:11 - Thứ Ba, 23/07/2024 Lượt xem: 1808 In bài viết

Sáng 23/7, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Quang cảnh Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; hơn 400 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng trong cả nước.

Mở đầu chương trình, hội nghị đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngay trong dịp tháng 7 truyền thống lịch sử này, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà và tham dự các hoạt động kỷ niệm; các địa phương đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng trong công tác chăm sóc người có công.

Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo tại Hội nghị.

Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, từ những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bảo đảm, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Đồng thời đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 với dự kiến trên 162 nghìn hộ, kinh phí khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110 nghìn sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, hơn 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hóa thông tin bia mộ liệt sĩ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20 nghìn bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh", đến nay cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.

Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, chúng ta đã giải quyết được căn bản hơn 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Hội nghị đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92 năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ.

Có thể nói, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác này.

Dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, được các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng như: Lễ dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, viếng đài liệt sĩ, các hoạt động tưởng niệm tại các di tích lịch sử cách mạng, các căn cứ địa cách mạng; các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách... diễn ra sâu rộng, thiết thực.

Hội nghị đã diễn ra phần giao lưu với một số đại biểu người có công tiêu biểu tham dự Hội nghị: Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên, Đồn Biên phòng La Êê, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam; Trung tá Nguyễn Chí Thành, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức kích hoạt chính thức ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top