Thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận trong vùng dân tộc thiểu số

12:24 - Thứ Hai, 05/08/2024 Lượt xem: 2249 In bài viết

Tỉnh Hà Giang có 7 huyện biên giới với 34 xã, thị trấn biên giới, 123 thôn giáp biên giới. Vùng đất này có những địa danh nổi tiếng, như: Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, di tích Nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, Chợ Phong lưu Khâu Vai (Mèo Vạc), di tích cấp Quốc gia ruộng bậc thang (Hoàng Su Phì)... là điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, đây cũng là vùng có điều kiện tự nhiên với địa hình phức tạp, chia cắt, thường xuyên chịu nhiều tác động khó lường của thiên tai, biến đổi khí hậu... dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển KT-XH; là vùng dễ bị lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kinh tế chậm phát triển, giao lưu giữa các vùng, miền hạn chế, tập quán sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi còn nhiều lúng túng, thu nhập thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu; nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều khu vực trong vùng đồng bào DTTS sinh sống còn tình trạng thiếu việc làm, thiếu đất, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Chất lượng giáo dục còn thấp và chưa vững chắc; công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm còn nhiều bất cập; mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào chưa cao, còn nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ.

Cán bộ, lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân xã Xín Chải (Vị Xuyên) cải tạo vườn tạp. Ảnh: QUỲNH HƯƠNG

Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2023 huyện Mèo Vạc còn 9.035 hộ nghèo, chiếm 51,29%; cận nghèo 1.296 hộ, chiếm 7,6%. Huyện Đồng Văn có 11.371 hộ nghèo, chiếm 67,96%; cận nghèo 2.071 hộ, chiếm 12,38%. Yên Minh còn 9.029 hộ nghèo, chiếm 46,99%; cận nghèo 3.255 hộ, chiếm 16,61%. Hoàng Su Phì có 5.889 hộ nghèo, chiếm 41,35%; cận nghèo 2.847 hộ, chiếm 19,99%. Huyện Xín Mần có 6.591 hộ nghèo, chiếm 44,91%; cận nghèo 2.091 hộ, chiếm 13,91%...

Xác định, vùng đồng bào DTTS các huyện biên giới của tỉnh là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại; những năm qua, T.Ư, tỉnh đã ban hành các chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị về công tác dân vận vùng đồng bào DTTS nói chung và vùng đồng bào DTTS các huyện biên giới nói riêng. Có nhiều giải pháp, hình thức tuyên truyền được triển khai nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, sự tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nông thôn mới... Qua đó, diện mạo của các huyện biên giới có nhiều thay đổi, sản xuất và đời sống nhân dân được nâng lên.

Phát huy những thành tích đạt được, mới đây, tỉnh ta tiếp tục xây dựng và ban hành Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS các huyện biên giới, giai đoạn 2024 - 2030. Đề án nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến vùng đồng bào DTTS các huyện biên giới. Trong đó, chú trọng vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo”, đặc biệt là trong thực hiện các chủ trương về phát triển KT-XH gắn với thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào DTTS.

Đồng bào Dao xã Cao Bồ (Vị Xuyên) chế biến chè Shan tuyết. Ảnh: Yên Hoa

Mục tiêu đặt ra, hằng năm 100% cán bộ, công chức làm công tác dân vận, cán bộ phụ trách công tác dân tộc, tôn giáo trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp được tập huấn, bồi dưỡng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ người DTTS. Trên 90% hộ DTTS đang cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở... có nơi ở ổn định. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào vùng DTTS 4%/năm, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới; cơ bản không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. 100% xã, thôn có điểm truy cập Internet, hoặc trạm hỗ trợ thông tin về chuyển đổi số; 100% hộ gia đình người DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều. Phát huy hiệu quả vai trò của Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân vận thôn, tổ dân phố, người có uy tín trong đồng bào DTTS, hội viên Hội “Nghệ nhân dân gian”...

Thực hiện mục tiêu trên, ngoài việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện công tác dân vận vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh công tác dân vận các cơ quan nhà nước, chính quyền; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân; phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch… tỉnh rất coi trọng, phát huy vai trò của Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân vận thôn, tổ dân phố, người có uy tín, Hội “Nghệ nhân dân gian”, chức sắc, cốt cán tôn giáo. Hiện, trên địa bàn 7 huyện biên giới có 1.461 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; 1.460 người có uy tín; 6.101 hội viên/134 Hội “Nghệ nhân dân gian”. Thời gian qua, đội ngũ này đã phát huy vai trò quan trọng, nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở, nhất là việc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục. Đồng thời, vận động nhân dân xây dựng Nông thôn mới, đời sống văn hóa ở khu dân cư; tham gia và vận động cộng đồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình... góp phần thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững.

Tiến Chiến
Bình luận

Tin khác

Back To Top