Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:11 - Thứ Sáu, 09/08/2024 Lượt xem: 2809 In bài viết

 Những năm qua, Tuyên Quang đã thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách dân tộc, từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) được nâng lên, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Động lực phát triển bền vững

Tuyên Quang có 474.000 người dân là ĐBDTTS, chiếm 54,1% dân số toàn tỉnh. Phần lớn bà con ĐBDTTS sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, trình độ lao động, kỹ thuật chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các dự án hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, không những giúp ổn định, nâng cao đời sống ĐBDTTS mà còn góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Người Pà Thẻn xã Hồng Quang phục dựng và phát huy giá trị Nghi lễ nhảy lửa.

Xã Linh Phú (Chiêm Hóa) và xã Hồng Quang (Lâm Bình) là 2 địa phương được thụ hưởng lợi ích từ Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Đồng chí Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết, từ khi các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai, thực hiện đồng bộ, sâu rộng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng đã phát huy được hiệu quả, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng ĐBDTTS. Ngoài việc được đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, từ năm 2018 đến nay, toàn xã có gần 440 lượt hộ dân Pà Thẻn được hưởng lợi. Trong đó, từ nguồn vốn hỗ trợ về phát triển sản xuất, đồng bào Pà Thẻn được “tiếp sức” để duy  trì 3 tổ hợp tác sản xuất và hàng trăm hộ được hỗ trợ con giống, kỹ thuật để phát triển đàn trâu, bò, lợn đen sinh sản, dê địa phương, cá chép, gia súc, gia cầm. Ngoài ra, UBND xã đã mở 3 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát và lớp thầy cúng trong nghi Lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn với 40 học viên.
Để nâng cao đời sống cho vùng ĐBDTTS, tỉnh luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, sản xuất để từng bước nâng cao đời sống. Một trong những giải pháp hiệu quả hỗ trợ, giúp người dân vùng ĐBDTTS có “điểm tựa” giảm nghèo, chủ động làm kinh tế là từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của tỉnh. Giai đoạn 2019 - 2024, từ nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 21.000 lượt khách hàng người DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển chăn nuôi, phát triển sản xuất; 13.788 hộ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh... với tổng vốn vay trên 3.575 tỷ đồng.

Nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Anh Phàng Đức Cảnh, thôn Bờ Hồ, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vay tín dụng chính sách, để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 2 con bò giống. Anh Cảnh cho biết, đến nay, đàn bò của gia đình đã nhân lên 5 con. Với phương pháp chăn nuôi khép kín, mỗi năm, thu nhập của gia đình anh từ bán bò giống, bò thịt cũng trên 30 triệu đồng. Nhờ đó, đã tạo động lực để anh nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Anh mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm cho người dân vùng ĐBDTTS được vay thêm vốn để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Nỗ lực chăm lo đời sống nhân dân

Bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển vùng ĐBDTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, điện sinh hoạt, nước sạch… huy động được nguồn lực rất lớn ngoài ngân sách để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ĐBDTTS.

Nhờ được hưởng những chính sách vay vốn phát triển chăn nuôi bò, gia đình anh Phàng Đức Cảnh, thôn Bờ Hồ, xã Kháng Nhật vươn lên thoát nghèo.

Nhiều cơ chế, chính sách cụ thể về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho bà con vùng ĐBDTTS, miền núi được triển khai kịp thời. Điển hình như: Chương trình 135; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025; chính sách đối với người có uy tín trong vùng ĐBDTTS giai đoạn 2021 - 2023; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS; chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách tín dụng…

Tính đến nay, từ nguồn vốn các chương trình, chính sách, toàn tỉnh đã hỗ trợ, đầu tư xây dựng 570 công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của Nhân dân. Hỗ trợ vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất và chuyển đổi nghề  cho 110 hộ vay, với tổng số vốn trên 4,9 tỷ đồng; phát trên 7.212 tấn gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền trọ cho gần 55.000 lượt học sinh bán trú. Tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho 4.636  hộ với tổng kinh phí hỗ trợ trên 573 tỷ đồng.  Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thể thao vùng DTTS được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư, nâng cấp đồng bộ…

Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới,  Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục xác định ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án trong vùng ĐBDTTS, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, nhân lên niềm tin của đồng bào các DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, tạo động lực để người dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng bản, làng ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Lý Thu
Bình luận

Tin khác

Back To Top