Báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 12/8 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 giảm còn 13%, thấp nhất trong 15 năm qua nhưng tình trạng thanh niên không có việc làm, không được đào tạo vẫn đáng lo ngại.
Theo ILO, triển vọng thị trường lao động toàn cầu của thanh niên đã được cải thiện trong bốn năm qua và xu hướng tăng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong hai năm tới.
Tuy nhiên, báo cáo Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2024 (GET for Youth) cảnh báo rằng số lượng thanh niên từ 15 đến 24 tuổi không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo là con số đáng lo ngại và công cuộc phục hồi việc làm sau đại dịch COVID-19 vẫn chưa mang tính phổ quát. Thanh niên ở một số khu vực và nhiều nữ thanh niên không nhận thấy được lợi ích của công cuộc phục hồi kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 là 13%, tương đương với 64,9 triệu người, là mức thấp nhất trong 15 năm qua và đã giảm so với tỷ lệ trước đại dịch là 13,8% vào năm 2019. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 12,8% trong năm nay và năm sau.
Tuy nhiên, bức tranh không giống nhau giữa các khu vực. Tại các quốc gia Ả Rập, Đông Á và Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên năm 2023 cao hơn năm 2019.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng thanh niên phải đối mặt với những trở ngại khác trong tìm kiếm việc làm. Báo cáo ghi 20,4% thanh niên trên toàn cầu trong tình trạng không có việc làm, không được đào tạo vào năm 2023.
Đối với những thanh niên có việc làm, báo cáo lưu ý rằng không có tiến triển trong việc đạt được việc làm thỏa đáng. Trên toàn cầu, hơn một nửa số lao động trẻ làm công việc phi chính thức. Chỉ ở các nền kinh tế có thu nhập cao và trung bình cao hơn thì phần lớn lao động trẻ mới có một công việc ổn định và thường xuyên.
Tổng giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo cho rằng: "Không ai trong chúng ta có thể mong đợi một tương lai ổn định khi hàng triệu thanh niên trên khắp thế giới không có việc làm thỏa đáng. Báo cáo nhắc nhở chúng ta rằng có sự bất bình đẳng lớn trong cơ hội cho thanh niên. Với nhiều thanh niên có phương tiện tài chính hạn chế hoặc xuất thân từ bất kỳ nhóm thiểu số nào vẫn đang rất khó khăn. Nếu không có cơ hội bình đẳng về giáo dục và việc làm thỏa đáng, hàng triệu thanh niên đang bỏ lỡ cơ hội có được một tương lai tốt đẹp hơn".
Báo cáo kêu gọi tăng cường và đầu tư hiệu quả hơn, bao gồm thúc đẩy tạo việc làm với mục tiêu cụ thể là việc làm cho nữ thanh niên, củng cố các thể chế hỗ trợ thanh niên trong quá trình chuyển dịch thị trường lao động, tích hợp việc làm và bảo trợ xã hội cho thanh niên, giải quyết tình trạng bất bình đẳng toàn cầu thông qua cải thiện hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác công tư và tài trợ cho phát triển.
Nhìn về phía nguồn nhân lực lao động ở Việt Nam, dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, có thể thấy vẫn tương đối dồi dào (lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2024 ước tính 52,5 triệu người) và duy trì mức tăng hằng năm. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28% trong năm 2024, tăng 1,9 lần trong 14 năm. Điều này cho thấy, đầu tư cho nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng ở nước ta ngày càng được chú trọng.
Tuy nhiên, quá trình xanh hóa nền kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức về trình độ và kỹ năng của người lao động. Chất lượng nguồn cung lao động vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Khoảng hơn 70% số lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Ngoài ra, tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn còn khá cao, chiếm 65% tổng lực lượng lao động (cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê), phản ánh thách thức lớn trong chất lượng nguồn nhân lực.