Nhiều hộ dân vẫn ở trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét

17:51 - Thứ Ba, 13/08/2024 Lượt xem: 3625 In bài viết

ĐBP - Mùa mưa năm 2024, tình trạng sạt lở đất, đá, lũ quét trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại nặng nề các công trình công cộng, tài sản và tính mạng của người dân. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống cho người dân, công tác cảnh báo, di dân khỏi vùng sạt lở đất được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Nhưng việc di dời đang gặp không ít khó khăn bởi thiếu nguồn lực và quỹ đất tái định cư; đặc biệt vẫn còn có các hộ dân “cố thủ” không chịu di dời.

Ngôi nhà anh Mùa A Chinh, bản Tả Phìn, xã Tả Phìn nằm ngay dưới chân đồi bị sạt lở.

Nằm trong vùng đất yếu, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, nhưng 81 hộ dân ở các thôn: Háng Sung I, Háng Sung II, Là Xa, Tả Phìn, Séo Phình, Tà Dê, Củ Dỉ Sang (xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa) hàng ngày đối mặt với hiểm nguy rình rập trong mùa mưa lũ. Mặc dù chính quyền xã và các cơ quan chức năng huyện Tủa Chùa đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân các hộ dân vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn.

Gia đình ông Vàng A Su, bản Là Xa, xã Tả Phìn có 5 nhân khẩu sống trong vùng có nguy cơ sạt lở nhưng hiện nay vẫn chưa thể di chuyển đến nơi an toàn. Theo ông Su, từ nhiều năm nay khi mùa mưa tới, khu vực này thường xảy ra sạt lở đất, đá nhưng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên năm nay các vết nứt sạt trên sườn đồi ngày một rộng, nguy cơ sạt lở lượng lớn đất đá có thể xảy ra nếu mưa to kéo dài. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, cảnh báo, nhưng gia đình chưa thể di chuyển được vì không có quỹ đất ở. Biết là rất nguy hiểm, nhưng gia đình khắc phục tạm thời qua mùa mưa.

Không riêng xã Tả Phìn, qua rà soát toàn huyện Tủa Chùa hiện có 132 hộ dân ở các xã: Sín Chải, Mường Báng, Tủa Thàng, Sính Phình... đang ở trong vùng có nguy cơ cao sạt lở và lũ quét. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 7 trường học, điểm trường và 2 tuyến đường giao thông có nguy cơ bị sạt lở đất, đá vào mùa mưa.

Một số hộ dân bản Búng, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) sống trong khu vực sạt lở đất đã được chính quyền địa phương căng dây cảnh báo, vận động di dời.

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Hàng năm, trước mùa mưa, huyện rà soát, thống kê số hộ gia đình trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét để tuyên truyền, hỗ trợ các hộ gia đình di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, quỹ đất tái định cư, trong khi số hộ trong vùng nguy cơ sạt lở quá lớn nên chưa thể giải quyết dứt điểm.

Xã Búng Lao là một trong những xã nằm trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng do lũ quét, sạt lở trên địa bàn huyện Mường Ảng. Toàn xã có 187 hộ dân hiện đang ở trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét lớn. Trận mưa ngày 14/7 đã gây ra tình trạng sạt lở ta luy dương khiến 8 hộ dân tại khu vực Táng Quái thuộc bản Búng, xã Búng Lao bị đất đá sạt lở vào nhà, làm thiệt hại nhiều tài sản, rất may không ảnh hưởng đến tính mạng con người. Nguyên nhân do ta luy dương cao, hơn nữa do các hộ gia đình san hạ, cải tạo mặt bằng không thực hiện cắt cơ hạ bậc nên khi mưa to gây sạt lở.

Ông Trần Quang Trung, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, cho biết: Hiện nay toàn huyện có 223 hộ dân ở các xã: Mường Đăng, Mường Lạn, Búng Lao, Xuân Lao, Ẳng Nưa, Nặm Lịch có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất. Từ nhiều năm nay khi mùa mưa tới, các khu vực này thường xảy ra sạt lở đất, đá nhưng ở mức độ nhẹ, tuy nhiên về lâu dài nguy cơ sạt lở, lũ quét cao nếu mưa to kéo dài. Huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn; đồng thời, căng dây, cắm biển cảnh báo khu vực bị sạt lở nguy hiểm. Tuy nhiên do gặp khó khăn về mặt bằng, vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất... đến nay các hộ gia đình nằm trong vùng nguy cơ sạt lở vẫn chưa được di dời.

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) khắc phục hậu quả thiên tai.

Điều đáng nói, bên cạnh những trường hợp bất khả kháng chưa thể di chuyển đến nơi an toàn do thiếu quỹ đất, kinh phí, thì vẫn còn nhiều hộ dân bất chấp nguy hiểm đến tính mạng cố tình không di chuyển đến nơi an toàn mặc dù đã được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động. Nguyên nhân chủ yếu do người dân không muốn rời xa nơi ở cũ, anh em, họ hàng; ảnh hưởng việc kinh doanh buôn bán, phong tục tập quán… Như một số hộ dân ở bản Búng, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao khi chính quyền địa phương vận động di chuyển tạm thời đã quay trở lại nơi ở cũ.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện nay qua rà soát toàn tỉnh còn 2.337 hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất; trong đó, huyện Nậm Pồ có 322 hộ, Mường Ảng 223 hộ, Mường Chà 341 hộ, Điện Biên Đông 81 hộ, Tủa Chùa 132 hộ, Mường Nhé 22 hộ, Tuần Giáo 26 hộ, Điện Biên 839 hộ, TX. Mường Lay 61 hộ và TP. Điện Biên Phủ 290 hộ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 101 trụ sở cơ quan, trường học, tuyến đường giao thông… có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét.

Một số hộ dân, trường học trung tâm xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) nằm dưới cung sạt lở đất.

Những năm gần đây, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, với mức độ ngày càng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của người dân, nhà nước. Vì vậy, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở là việc làm cấp bách không thể chậm trễ.

Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền đến toàn thể Nhân dân không được chủ quan, lơ là trong thời gian có mưa lũ xảy ra. Kiên quyết di dời người và tài sản đối với các hộ có nguy cơ cao mất an toàn về nhà ở. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, trong trường hợp phải tháo dỡ nhà ở để bảo vệ tài sản cho người dân, đưa các hộ dân đến ở ghép tại các hộ gia đình người thân, người quen hoặc ở tạm tại các cơ sở trường học bán trú, nhà văn hóa thôn, bản trong thời gian diễn ra mưa lũ lớn kéo dài. Về lâu dài, có kế hoạch di dời, bố trí mặt bằng, quỹ đất tái định cư cho người dân.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top