Vấn đề kỳ này

Đổi thay vùng đất lịch sử

08:55 - Thứ Năm, 15/08/2024 Lượt xem: 3340 In bài viết

ĐBP - Đến Mường Phăng những ngày này, ai cũng nhận thấy sự đổi thay rõ nét của vùng căn cứ cách mạng năm xưa với những nếp nhà sàn khang trang, đường bê tông sạch đẹp nối liền các bản, du khách tấp nập tham quan các điểm di tích... Đời sống người dân Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 70 năm trước đã khởi sắc với sự trù phú hiển hiện trong mỗi nếp nhà, hệ thống điện, đường, trường, trạm hiện đại. Vùng đất lịch sử năm xưa đã đổi thay dần trở thành xã nông thôn mới nâng cao từ sự chung sức, đồng lòng của người dân cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Anh Tuấn

Mường Phăng nơi được lựa chọn đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31/1/1954 cho tới khi chiến dịch hoàn toàn thắng lợi vào ngày 7/5/1954. Đây cũng là địa chỉ đỏ thu hút du khách tham quan, tìm hiểu khi có dịp đến Điện Biên; đồng thời là tư liệu giáo dục lịch sử trực quan, sinh động cho các thế hệ trẻ tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” hơn 70 năm trước. Khi ấy, Mường Phăng là vùng đất rừng sâu, núi thẳm, rất ít người dân sinh sống nhưng địa thế dưới chân núi Pú Đồn, với rừng cây cổ thụ, cách xa quốc lộ... là nơi đảm bảo an toàn cho sở chỉ huy của ta. Ngay trong khu rừng Mường Phăng có đỉnh Pú Huốt cao nhất nơi này được chọn đặt đài quan sát của Sở chỉ huy Chiến dịch. Từ đỉnh Pú Huốt có thể quan sát toàn bộ lòng chảo Mường Thanh với các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, A1, D1, cầu Mường Thanh... Đây là yếu tố thuận lợi để bộ đội ta giám sát chặt chẽ mọi di biến động của quân đội Pháp, từ đó vạch kế hoạch tác chiến phù hợp.

Khu Sở chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng với hệ thống hầm hào, lán nhỏ đơn sơ được làm từ tre, luồng... có trong rừng Mường Phăng. Song đây là nơi Bộ Chỉ huy chiến dịch bàn thảo, quán triệt phương châm tác chiến có tính chất quyết định cho từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Niềm tự hào về vùng đất lịch sử đã được đúc kết trong câu ca “Vinh quang thay đất Mường Phăng// Có hầm Đại tướng, có rừng chỉ huy”. Trong kháng chiến, Mường Phăng là trái tim của Chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày nay phát huy truyền thống cách mạng, xã Mường Phăng đang vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đổi thay đời sống người dân.

Người dân Mường Phăng sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại di tích Bãi duyệt binh mừng chiến thắng. Ảnh: Nguyễn Hiền

Xây dựng nông thôn mới đã giúp Mường Phăng đổi thay diện mạo tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội theo hướng tích cực. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, xã Mường Phăng chưa đạt tiêu chí nào của bộ tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao với 42%. Xã Mường Phăng có 20 bản với 74% dân tộc Thái còn lại dân tộc Mông và Kinh; bà con canh tác dưới ruộng, trên nương song năng suất, hiệu quả cây trồng không cao. Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động được sự tham gia chung sức của người dân. Cấp ủy, chính quyền phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung phát triển mô hình sản xuất, đưa vào trồng các loại cây, con giống đặc trưng của địa phương; hỗ trợ người dân kỹ thuật canh tác, quy trình chăm sóc, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản để nâng cao thu nhập của người dân. Hưởng ứng thi đua xây dựng nông thôn mới, nhân dân các dân tộc trong xã tích cực hiến kế, hiến công, góp đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, trồng hoa tạo cảnh quan ven đường…

Với hệ thống di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm tượng đài mừng công, công viên chiến thắng Mường Phăng... tạo thế mạnh để Mường Phăng phát triển du lịch lịch sử. Khai thác lợi thế vùng đất di tích lịch sử, Mường Phăng đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng, tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc. Bản Che Căn của Mường Phăng đã xây dựng thành bản du lịch cộng đồng với nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái được bảo tồn. Đó là kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, lễ hội tín ngưỡng… thu hút du khách tìm hiểu, trải nghiệm. Một số gia đình mạnh dạn đầu tư làm mô hình homestay, mở nhà hàng, buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ mang nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Đường tới các thôn, bản vùng sâu, vùng xa đã được cứng hóa với những con đường hoa dẫn vào thôn bản; những ngôi nhà sàn khang trang xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp bản làng của Mường Phăng. Thế nên, bất cứ ai đã đến Điện Biên đều mong muốn vào Mường Phăng tham quan Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và tìm hiểu lịch sử, văn hóa, trải nghiệm du lịch cộng đồng, thưởng thức ẩm thực địa phương.

Trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao là hướng đi của nhiều hộ dân xã Mường Phăng, hướng đến xóa đói giảm nghèo bền vững. Ảnh: Bảo Anh

Từ một xã khó khăn vùng ngoài nay vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng đã đổi thay thành xã nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng ấm no, xứng danh vùng đất lịch sử. Nếu như hết năm 2023 xã Mường Phăng còn 3 hộ cận nghèo, 4 hộ nghèo thì mục tiêu xã đặt ra phấn đấu hết năm 2024 không còn hộ nghèo và hiện nay thu nhập bình quân của người dân đạt 45 triệu đồng/năm.

Những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nằm bình yên bên cánh đồng lúa xanh mướt cùng rừng cây xanh thẳm của Sở chỉ huy Chiến dịch năm xưa. Đó là hình ảnh ấn tượng không chỉ với du khách phương xa mà với mỗi người dân Điện Biên khi đến với mảnh đất lịch sử Mường Phăng. Vùng đất lịch sử đang đổi thay mỗi ngày.

Hà Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top