Hà Nội – Điện Biên: Trọn nghĩa, vẹn tình

16:23 - Thứ Năm, 15/08/2024 Lượt xem: 3543 In bài viết

ĐBP - Cách nhau trăm núi, ngàn khe nhưng bao năm qua TP. Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến với Điện Biên - mảnh đất nơi cực Tây Tổ quốc vẫn luôn gắn bó khăng khít với nhau trọn nghĩa, vẹn tình. Không chỉ trong thời hoa lửa của năm tháng chiến tranh và tái thiết thời hậu chiến mà cho đến tận ngày nay, “trái tim của Tổ quốc” vẫn luôn dành những tình cảm đặc biệt nhất, luôn đồng hành đưa mảnh đất cực Tây cùng tiến bước trên hành trình xây dựng, phát triển trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

Bài 1: Cùng viết lên “khúc khải hoàn”

Cách đây 70 năm, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi vang dội (7/5/1954 - 7/5/2024), giáng đòn quyết định, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi nước nhà. Cũng cùng năm ấy, ngày 10/10/1954, đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ hoa và sự chào đón của nhân dân Hà Nội. Để viết lên khúc khải hoàn ấy, là sự chung sức, đồng lòng, tất cả vì chiến trường Điện Biên Phủ; trong đó, có đóng góp quan trọng của nhân dân Thủ đô.

Tất cả vì chiến trường Điện Biên Phủ

Khi Chiến trường Điện Biên Phủ còn đang gay go, ác liệt, thì ở hậu phương, khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã biến thành hành động thực tế của hàng triệu nhân dân ta, cả vùng tự do và các vùng căn cứ du kích. Nhân dân đã nhiệt tình cống hiến sức người, sức của cho tiền tuyến. Việc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành một cao trào cách mạng hào hùng lập nên những kỳ tích mà kẻ địch không thể ngờ tới.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân những Chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Trong ảnh: Cựu chiến binh Nguyễn Công Dinh (hàng ghế đầu, áo sáng màu) tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.

Ngay tại Thủ đô, nhằm ngăn chặn quân Pháp chi viện cho Chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Hà Nội đã tiêu diệt hàng chục tên địch, phá hủy 18 máy bay (5 chiếc B26, 10 chiếc Đacôta, 3 chiếc chở khách); phá một xưởng sửa chữa máy bay, một kho xăng. Lực lượng của ta tại kho Đấu Xảo chỉ đạo các lái xe phá hủy hàng trăm xe của địch. Nhân dân huyện Gia Lâm chặn đứng, phá hủy một đoàn tàu 13 toa chở quân lương, quân trang và vũ khí của địch từ Hải Phòng về Hà Nội. Trong những ngày ác liệt nhất của Chiến dịch 56 ngày đêm, công nhân Hà Nội đốt cháy hàng nghìn chiếc dù, khiến cho việc tiếp tế, giải cứu của địch tại Điện Biên Phủ ngày một khó khăn.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, quân và dân nơi đây đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cách mạng, đấu tranh phản kháng chế độ thực dân như biểu tình, bãi khóa, đấu tranh chống bắt lính, đấu tranh đòi quyền lợi... và nhiều hoạt động bí mật khác. Theo tư liệu được ghi trong Lịch sử Đảng bộ TP. Hà Nội (1930 - 2000), thực hiện các nghị quyết Hội nghị cán bộ vùng địch hậu, Hội nghị công vận vùng địch tạm chiếm, Thành ủy Hà Nội đã đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo cụ thể, trong đó có phát huy chiến thắng của ta trên các mặt trận, vạch trần âm mưu “hoàn bị độc lập” giả dối của địch. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh của quần chúng, kiên quyết chặn địch, không cho chúng bắt người, cướp của; quyết tâm thực hiện bằng được công tác phá hoại địch về quân sự để phối hợp với chiến trường chính. Trước thất bại liên tiếp của địch ở Điện Biên Phủ, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền tin chiến thắng của ta, truyền đơn kêu gọi binh lính địch đào ngũ trở về nhà. Nhiều tên tự thương để được ở lại Hà Nội hoặc trốn về với gia đình, nhiều đơn vị địch vừa đi càn ở đồng bằng về thoái thác tập thể, lấy cớ “không được nghỉ ngơi để không đi”... đã có tác dụng kìm hãm lực lượng địch ở hậu phương, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc ứng cứu, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ...

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm mùng 3, rạng sáng 4/3/1954. Ảnh tư liệu

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Theo thống kê, vào những ngày khói lửa ấy Hà Nội đã tiễn trên 5.900 người con ưu tú vào quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ Chiến dịch Biên giới, đến thượng Lào, hạ Lào… Trong đó, có 1.697 người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày toàn thắng. Họ tham gia vào các hoạt động khác nhau của Chiến dịch. Nhiều người đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nằm lại mãi mãi trên mảnh đất Tây Bắc - Điện Biên, trong vòng tay yêu thương, đùm bọc, biết ơn của đồng bào các dân tộc nơi đây…

Ngày nay, trên Bảng vàng “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 (TP. Điện Biên Phủ) khắc tên 48 liệt sĩ người Hà Nội (chưa tính tỉnh Hà Tây cũ và huyện Mê Linh). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hà Nội có những người con lập chiến công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là: Anh hùng Lâm Viết Hữu (huyện Gia Lâm), Anh hùng Nguyễn Phú Xuyên Khung (quận Long Biên), Anh hùng Lê Văn Dỵ (huyện Mê Linh, trước thuộc tỉnh Phúc Yên). Tên các anh sống mãi với non sông và trong trái tim nhân dân Điện Biên.

Cháu một liệt sĩ người Hà Nội tới thăm viếng, tìm tên người thân mình trên Bảng vàng “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 (TP. Điện Biên Phủ).

70 năm sau ngày giải phóng, một ngày cuối tháng 4/2024, Chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Nhân (sinh sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) trở lại thăm chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội. Người cựu chiến binh 88 tuổi, biết bao lần vào sinh ra tử không sờn lòng, sợ hãi nhưng lại trào nước mắt trước Nghĩa trang Liệt sĩ A1. Run lên vì xúc động nhưng ông vẫn cố gắng tự mình đến từng phần mộ, vừa quệt nước mắt, vừa cắm nén hương thơm cho những người anh em cùng xung phong ra chiến trường ngày ấy và nói nhỏ: “Tôi trở về thăm các đồng chí đây”. Nghẹn ngào, ông Nhân chia sẻ: “Khi đi chiến trận, ai nấy đều là thanh niên, trai tráng với bao hoài bão, ước mơ, cùng chung chí hướng tất cả vì Tổ quốc, không thắng không về. Thế rồi trong bom đạn ác liệt, người còn, người mất. Giờ đây người mãi mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi, nằm lại vun đắp cho mảnh đất Điện Biên xa xôi; người đã trên dưới 90 tuổi, không biết còn trở về thăm lại chiến trường xưa được nữa không. Thương các đồng đội tôi quá!”.

Chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Nhân từ Hà Nội lên thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho câc đồng đội đã hy sinh.

Với sự cống hiến, hi sinh của những người con ưu tú ấy, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, trở thành kỳ tích, mốc son chói lọi mang ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại nhất trong thế kỷ XX. Còn đối với Thủ đô Hà Nội, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề đi đến sự kiện Giải phóng Thủ đô vào ngày 10/10/1954, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ của quân và dân ta.

Bài 2: Mang no ấm về Mường Thanh

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền - Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top