Hà Nội – Điện Biên: Trọn nghĩa, vẹn tình (bài 2)

08:35 - Thứ Sáu, 16/08/2024 Lượt xem: 3191 In bài viết

Bài 2: Mang no ấm về Mường Thanh

ĐBP - Sau khi miền Bắc sạch bóng quân thù, Thủ đô Hà Nội lại tiếp tục đồng hành cùng Điện Biên trong quá trình kiến thiết, dựng xây cuộc sống mới. Trong đó, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm là một trong những minh chứng tiêu biểu cho nghĩa tình ấy. Hàng trăm thanh niên “tháng Tám Thủ đô” đã không quản ngại vất vả, hi sinh để cùng với thanh niên các địa phương khác làm nên hệ thống tưới tiêu, vực dậy và mở rộng cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc. Gần 6 thập kỷ trôi qua, công trình ý nghĩa đó vẫn tồn tại vững chãi trước bao thăng trầm lịch sử, tiếp tục là mạch nguồn đưa no ấm về khắp cánh đồng Mường Thanh.

Bài 1: Cùng viết lên “khúc khải hoàn

Rời phố phường, ngược ngàn Tây Bắc

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũ (nay là 2 tỉnh Điện Biên - Lai Châu) gặp vô vàn khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước chủ trương nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm để mở rộng khai hoang, canh tác trên cánh đồng Mường Thanh. Tham gia xây dựng công trình thủy lợi lớn thứ 2 miền Bắc lúc bấy giờ có trên 2.000 thanh niên xung phong (TNXP); trong đó có trên 800 thanh niên “tháng Tám Thủ đô” tình nguyện lên đường.

Đập đầu mối công trình Đại thủy nông Nậm Rốm nằm ở phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.

Ngày 3/10/1963, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức khởi công. Ngày qua ngày, những chàng trai, cô gái Hà Thành tay cuốc, tay xẻng phá đá, đào kênh, thi đua lao động hăng say cho công trình đầu mối ngày một vươn cao, vươn dài. Trong số những thanh niên năm ấy, có ông Đỗ Vũ Xô, quê gốc quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, hiện cư trú tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ. Ngồi lật giở lại từng trang hồi ký, ông Đỗ Vũ Xô nhớ lại: “Ngày ấy đường lên Điện Biên gian khổ lắm, phải đi mất 3 ngày mới tới nơi. Ngày đầu tiên đi được 100km tới Hòa Bình đã rất mệt. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước khung cảnh núi đồi trùng điệp, dân cư thưa thớt, nhiều nơi phải vào đến trung tâm xã, huyện mới có nhà dân. Lên đến Điện Biên thì hoang sơ, thiếu thốn nhiều lắm…”.

Cựu TNXP “tháng Tám Thủ đô” Đỗ Vũ Xô lật giở từng trang hồi ký viết về những ngày xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Với những chàng trai, cô gái ở Thủ đô, đây như là một thế giới hoàn toàn khác. Ai cũng biết cuộc sống, lao động tới đây sẽ đầy khó khăn, thử thách và khắc nghiệt. Thế nhưng trong lồng ngực của mỗi người luôn sục sôi nhiệt huyết của tuổi trẻ, sục sôi ý chí góp sức mình tái thiết, xây dựng Điện Biên sau cuộc chiến tranh khốc liệt. Họ đã quyết tâm ở lại, vượt mọi chông gai để làm nên công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Ông Đỗ Vũ Xô kể lại: “Ngày ấy, công trình thi công bằng sức người là chính bởi chưa có bất cứ một loại máy móc nào hỗ trợ. Với tinh thần lao động, chiến đấu quên mình, chúng tôi đã đào đắp hàng ngàn mét khối đất, đá… Công trình dần hình thành thì vào tháng 2/1966, máy bay Mỹ đến bắn phá. Ban ngày chúng tôi sơ tán vào rừng tránh máy bay địch, ban đêm ra đào đắp, đổ bê tông. Khó khăn chồng chất khó khăn khi Mỹ bắn phá làm hỏng cầu, đường, xe vận tải không lên được. Thiếu lương thực tiếp tế, những bữa ăn phải độn ngô xay, khoai, sắn. Thêm vào đó, những trận sốt rét, đau ốm, bệnh tật hoành hành mà chẳng có thuốc men, chữa trị kịp thời...”.

Hồi ký của ông Đỗ Vũ Xô.

Cùng lên Điện Biên năm ấy, ông Dương Văn Toàn, quê gốc quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, hiện đang trú tại tổ 1, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ cũng đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời mình. Ông Toàn nhớ lại: “Mọi thứ khi đó rất khó khăn và không ít nguy hiểm. Bản thân tôi cũng bị thương nặng phải chuyển về Hà Nội chữa trị. Lần đấy, khi tôi đang làm nhiệm vụ, không may chân trái bị cứa vào mảnh bom, rạch một vết dài. Bên y tế sơ cứu, băng bó kịp thời nhưng do thiếu thuốc men nên bị nhiễm trùng, càng ngày càng sưng to. Thấy tình hình không ổn, anh em mới chuyển tôi về Hà Nội chữa trị”.

Không riêng ông Toàn, mà bởi sự gian khó của công trình, lại lao động thô sơ hạn chế máy móc, cùng với sự leo thang bắn phá của máy bay Mỹ, không ít TNXP bị thương, hi sinh khi làm nhiệm vụ. Họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Theo ghi chép của ông Đỗ Vũ Xô, để xây dựng Đại thủy nông Nậm Rốm, đã có 18 TNXP nằm lại mãi mãi với Điện Biên, trong đó 4 TNXP là người con của Thủ đô Hà Nội.

Thắm tình quê hương mới

Từ Thủ đô hào hoa, những người thanh niên ấy dần quen với khó khăn, thiếu thốn của miền núi xa xôi. Đối diện biết bao gian nan, cả nguy hiểm nhưng họ vẫn nỗ lực, cố gắng hết mình hoàn thành nhiệm vụ, góp sức cho công trình quan trọng, quyết định đến phát triển kinh tế của mảnh đất biên viễn này. Dù vất vả, khó khăn nhưng suốt những năm thi công Đại thủy nông Nậm Rốm, ông Đỗ Vũ Xô chưa từng có ý nghĩ từ bỏ, trở về quê hương. Ông tâm sự: “Cuộc sống và lao động của chúng tôi dần đi vào nền nếp. Tình cảm đồng đội và không khí nhộn nhịp tại công trường đã đổi chỗ cho sự nhớ nhà, khiến tôi thêm gắn bó với mảnh đất Điện Biên. Hơn thế nữa, công trường gian khổ ấy lại là nơi tôi gặp và nên duyên với vợ. Khi công trình hoàn thành, mọi người rút hết, tôi là cán bộ kế toán nên được phân công ở lại để nghiệm thu, quyết toán công trình cho bên Ty Thủy lợi Lai Châu (cũ). Thế là vợ chồng tôi quyết định ở lại, gắn bó với Điện Biên cho đến tận bây giờ. Ngôi nhà vợ chồng tôi đang ở cách không xa đập tràn là mấy. Thỉnh thoảng anh em TNXP Nậm Rốm lại tụ họp, ra thăm lại công trình năm xưa...”.

Nhờ công trình Đại thủy nông Nậm Rốm mà cánh đồng Mường Thanh xanh tươi, trù phú.

Còn đối với ông Dương Văn Toàn, sau khi được chữa trị, sức khỏe hồi phục, ông trở lại Điện Biên cũng là lúc công trình Đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành. Kết thúc nhiệm vụ, ông về Hà Nội mang theo cảm xúc lẫn lộn. Vui vì công sức của anh chị em TNXP được đền đáp, nhưng còn bao lưu luyến, vấn vương mảnh đất Điện Biên - Tây Bắc... Vợ ông Toàn, bà Nguyễn Thị Phúc kể lại: “Sau khi về Hà Nội, vợ chồng tôi được bố mẹ chia cho miếng đất để định cư ở khu vực quận Hai Bà Trưng. Nhưng chồng tôi đã quen với con người hiền lành, dễ mến, cuộc sống bình lặng, khí hậu thoáng đãng ở nơi đây nên quyết định trở lại Điện Biên sinh sống và làm việc đến tận bây giờ...”.

Cựu TNXP “tháng Tám Thủ đô” Dương Văn Toàn cùng vợ và các cháu ôn lại kỷ niệm những ngày tháng xây dựng Đại thủy nông Nậm Rốm.

Những năm tháng ấy, không chỉ có ông Đỗ Vũ Xô, ông Dương Văn Toàn mà còn nhiều thanh niên Thủ đô khác quyết định ở lại gắn bó với Điện Biên. Họ tiếp tục công tác ở nhiều vị trí khác nhau, góp sức xây dựng Điện Biên phát triển. Theo thống kê của Hội Cựu TNXP tỉnh Điện Biên, hiện còn 22 TNXP “tháng Tám Thủ đô” năm ấy vẫn đang sinh sống tại Điện Biên. Điều trân quý và tự hào hơn nữa, những người con của các ông, các bà dù nguyên quán là Thủ đô nghìn năm văn hiến nhưng cũng lựa chọn Điện Biên để sinh sống, làm việc, tiếp bước ông cha cống hiến cho mảnh đất miền biên viễn xa xôi.

Gần 6 thập kỷ trôi qua, Đại Thủy nông Nậm Rốm vẫn sừng sững hiên ngang như minh chứng “bàn tay ta làm nên tất cả” của một thế hệ TNXP, trong đó có những chàng trai, cô gái “tháng Tám Thủ đô”. Nối tiếp truyền thống nghĩa tình son sắt ấy, những năm qua TP. Hà Nội vẫn tiếp tục đồng hành, hợp tác, chung tay giúp sức để Điện Biên vượt khó vươn lên.

Bài 3: Ân tình Thủ đô trên miền biên viễn

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền - Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top