Nhân lên những mô hình hay về xử lý rác thải

14:59 - Thứ Tư, 21/08/2024 Lượt xem: 3254 In bài viết

ĐBP - Nhằm xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, những năm qua các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình hay, thiết thực về bảo vệ môi trường. Trong đó, những mô hình “lò đốt rác thải theo hộ, nhóm hộ gia đình”, “biến rác thải thành tiền”  đã và đang lan toả mạnh mẽ ở các khu dân cư; từ đó góp phần làm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong việc thu gom, xử lý rác sinh hoạt ngay từ nguồn.

Phụ nữ bản Mường Nhé Mới, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé phân loại rác thải bán lấy tiền gây quỹ hỗ trợ.

Cùng với sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình cũng ngày càng tăng theo. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn, trong từng hộ gia đình sẽ giảm tải rất nhiều cho các công đoạn xử lý, phân loại rác về sau. Tại xã biên giới Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), từ năm 2017 xã đã triển khai thí điểm mô hình lò đốt rác theo hộ, nhóm hộ gia đình. Sau hơn 7 năm triển khai mô hình đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Ðể mô hình lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã đã phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực triển khai xây dựng lò đốt rác cho chính gia đình mình, cộng đồng dân cư nơi sinh sống… Từ đó tuyên truyền, vận động, tham gia hỗ trợ các hộ, nhóm hộ xây dựng lò đốt rác đảm bảo kỹ thuật, khoa học, giảm thiểu tác hại do khói, bụi gây ra”.

Người dân bản Nà Ín, xã Chà Nưa đem rác thải đã phơi khô đốt tại các lò đốt rác.

Hiện nay, trên địa bàn xã Chà Nưa đã xây dựng được 160 lò đốt rác, góp phần xử lý khoảng 85% lượng rác thải sinh hoạt. Mỗi lò đốt rác rộng và dài khoảng 1m, thân lò cao 1,5m, kết cấu và vị trí đảm bảo thuận tiện, khoa học, phía trên có mái lợp prôximăng hoặc tôn để tránh mưa. Kinh phí xây dựng từ 1 - 2 triệu đồng/lò (tùy vào số hộ sử dụng), do nhân dân tự đóng góp tiền, nguyên vật liệu và ngày công lao động. Một lò đốt rác sau khi đã hoàn thành đảm bảo cho 3 - 10 hộ sử dụng, chủ yếu đốt rác thải hàng ngày. Cũng theo ông Thùng Văn Ánh, việc xây dựng lò đốt rác đã giải quyết được bài toán về môi trường, đào hố chôn rác hoặc đốt rác theo truyền thống, vì đốt rác tại hố thì cháy lâu và không hết, thậm chí cách làm này không an toàn và có nguy cơ gây ra hỏa hoạn.

Chiều muộn, có mặt tại bản Nà Ín, chúng tôi được Trưởng bản Thùng Văn Thánh dẫn đi xem lò đốt rác của gia đình. Nói là lò nhưng thật ra đó chỉ là một hộp cỡ 1,5m3, xây bằng gạch ba banh, sát đáy có vỉ song sắt đan lưới ô vuông để giữ rác. Vừa chỉ dẫn cách đốt rác, vừa trò chuyện, anh Thánh chia sẻ: Trước đây, rác thải sinh hoạt của bà con đều đổ hết xuống suối hoặc tiện đâu vứt đó. Vào mùa mưa rác trôi nổi, trời nắng sẽ bốc mùi hôi thối. Từ khi xây dựng các lò đốt rác, người dân đã tự giác phân loại rác thải; các loại rác hữu cơ sẽ được chôn lấp để làm phân cho cây trồng. Rác thải rắn sẽ tiếp tục phân loại, những thứ bán phế liệu được thì cất giữ; còn lại được phơi khô mới đem vào lò đốt. Hiện nay, bản Nà Ín đã xây dựng được 60 lò đốt rác.

Người dân bản Mường Nhé, xã Mường Nhé thu gom vỏ lon bia, chai nhựa, bìa… bán lấy tiền gây quỹ.

Tại huyện biên giới Mường Nhé, hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với rác thải nhựa”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã triển khai mô hình thu gom phế liệu “biến rác thải thành tiền”. Mô hình này không chỉ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo thêm quỹ để hỗ trợ, động viên phụ nữ, trẻ em nghèo là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé chia sẻ: “Ðể lan tỏa mô hình, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, Hội LHPN các cấp đã triển khai sâu rộng mô hình tới từng chi hội thôn bản, tổ dân cư. Các cấp hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ nông thôn hình thành thói quen thu gom, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cùng với các hoạt động thu gom rác thải nhựa, các chi hội, tổ, hội thường xuyên phối hợp với đoàn thanh niên, cơ quan, đoàn thể tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường bản, ngõ xóm, khu dân cư”.

Theo ghi nhận, tại các gia đình ở vùng cao, người dân đã có thói quen phân loại rác, tập kết tại những nơi quy định. Sau khi phân loại, rác thải tái chế, các loại rác như: Vỏ, hộp, vỏ lon bia, chai, hộp nhựa sẽ được giữ lại để bán lấy tiền gây quỹ. Chị Mào Thị Viện, hội viên phụ nữ bản Mường Nhé Mới, xã Mường Nhé chia sẻ: “Việc thu gom rác thải để bán vừa ý nghĩa, vừa tốt cho môi trường, nên chị em trong bản rất ủng hộ. Nhà tôi cũng đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; đặc biệt từ khi tham gia mô hình tôi đã để thêm một thùng đựng vỏ lon bia, chai nhựa, bìa... Hàng tháng mang ra nhà văn hóa để ủng hộ, góp cùng chị em”.

Từ nguồn quỹ mô hình “biến rác thải thành tiền” Chi hội phụ nữ bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Việc thu gom, phân loại rác thải tái chế đã góp phần giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, đồng thời giảm chi phí vận chuyển, chi phí xử lý… biến rác thải thành các sản phẩm hữu ích để tái sử dụng hoặc bán gây quỹ từ thiện. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình đã cho thấy sự hiệu quả, thiết thực, đến nay Hội LHPN huyện Mường Nhé đã thành lập được 22 mô hình “biến rác thải thành tiền” tại 9/11 xã. Với số tiền thu được, các chi hội phụ nữ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hội viên, phụ nữ, học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đẩy mạnh các phong trào phụ nữ tại thôn, bản.

Có thể thấy rằng, những mô hình “lò đốt rác thải theo hộ, nhóm hộ gia đình”, “biến rác thải thành tiền” tại các huyện biên giới của tỉnh đã và đang góp phần hạn chế lượng rác thải, tạo cảnh quan sạch, đẹp; đặc biệt làm thay đổi thói quen, nhận thức của nhân dân trong bảo vệ môi trường. Ðây là những mô hình tiên phong cần được phổ biến, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top