Cần sự chung tay cả cộng đồng (bài 2)

07:42 - Thứ Ba, 03/09/2024 Lượt xem: 2685 In bài viết

Bài 2: Nâng cao hiệu quả xử lý rác thải

ĐBP - Tăng cường nhiều giải pháp thu gom, xử lý, đầu tư cơ sở hạ tầng; coi quản lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường... Là những giải pháp mà tỉnh Điện Biên đã triển khai để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn dân để có hành động thiết thực bảo vệ môi trường.

Bài 1: Bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn

Lò đốt rác ở Chà Nưa

Chà Nưa là xã vùng cao đầu tiên của huyện Nậm Pồ thực hiện quy hoạch khu vực tập kết, xử lý rác thải tập trung ở hầu hết các bản. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng nên Chà Nưa dễ dàng đạt được tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trở thành “điểm sáng” trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Trước đây, rác thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã đều đổ hết xuống suối hoặc tiện đâu vứt đó. Từ năm 2017 xã Chà Nưa triển khai thí điểm mô hình lò đốt rác theo hộ, nhóm hộ gia đình. Sau hơn 7 năm triển khai mô hình đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Nhóm 6 hộ dân bản Nà Ín 1, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ xây lò đốt rác.

Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Để giải bài toán về rác thải ở thôn, bản, thời gian trước chính quyền xã vận động người dân đào hố rác theo hộ gia đình. Nhưng vài tháng lại đầy rác, đốt rác tại hố thì cháy lâu và không hết, thậm chí cách làm này không an toàn và có nguy cơ hỏa hoạn. Để có giải pháp phù hợp với thực tế địa phương, đầu năm 2017, xã Chà Nưa tiến hành làm thí điểm lò đốt với sự tham gia của các nhóm hộ và cho kết quả khả quan bởi chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện lại có tính ứng dụng cao.

Hiện nay, trên địa bàn xã Chà Nưa đã xây dựng được 160 lò đốt rác, góp phần xử lý khoảng 85% lượng rác thải sinh hoạt. Mỗi lò đốt rác rộng và dài khoảng 1m, thân lò cao 1,5m, kết cấu và vị trí đảm bảo thuận tiện, phía trên có mái lợp prôximăng hoặc tôn để tránh mưa. Kinh phí xây dựng từ 1 - 2 triệu đồng/lò (tùy vào số hộ sử dụng) do người dân tự đóng góp tiền, nguyên vật liệu và ngày công lao động. Một lò đốt rác sau khi hoàn thành đảm bảo cho 3 - 10 hộ sử dụng.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng và nhân rộng mô hình lò đốt rác. Trong ảnh: Mô hình lò đốt rác ở xã Mường Lói, huyện Điện Biên.

Để mô hình lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, xã Chà Nưa đã phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực triển khai xây dựng lò đốt rác cho chính gia đình mình. Từ đó tuyên truyền, vận động các hộ, nhóm hộ trong bản xây dựng lò đốt rác đảm bảo kỹ thuật.

Cách làm từ mô hình ở xã Chà Nưa đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường. Không những vậy còn hình thành nên ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường ở nông thôn; góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Không để phát sinh cơ sở ô nhiễm

Theo lộ trình, đến năm 2020, Điện Biên phải đưa 4 cơ sở gây ô nhiễm thuộc đối tượng phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra khỏi danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các cơ sở này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác Noong Bua. Được Bộ đồng ý và hỗ trợ nguồn kinh phí 20 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên đối ứng 20 tỷ đồng.

Rác thải trên địa bàn thành phố được thu gom và đưa về Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên.

Đến nay, bãi rác Noong Bua được đóng cửa hoàn toàn, toàn bộ số rác thải phát sinh khu vực thành phố đã được chuyển về Nhà máy xử lý rác Púng Min, huyện Điện Biên.

Nhà máy xử lý rác Púng Min đi vào hoạt động với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất khu vực. Với tổng số vốn 70 tỷ đồng, diện tích nhà máy 10,5ha; toàn bộ rác thải của TP. Điện Biên Phủ đã được thu gom xử lý triệt để. Cùng với bãi rác Noong Bua, 3 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Điện Biên cũng đã xử lý triệt để và đưa ra khỏi diện phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg.

Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Để đạt kết quả đó, Sở đã tham mưu cho tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá chất lượng, tiến độ, hiện trạng các dự án. Đồng thời, chỉ ra thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn các địa phương xây dựng bể thu gom và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Các giải pháp phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa...

Các công đoạn xử lý rác tại Nhà máy xử lý rác Púng Min được cơ giới hóa và xử lý triệt để 100%.

Là đơn vị chủ trì và quản lý về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách quan trọng về lĩnh vực môi trường. Trong đó, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đổi mới đến các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, có hành động thiết thực bảo vệ môi trường. Đây là một trong những biện pháp mang tính lâu dài, xây dựng trên nền tảng ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể.

Nhờ đó đã nâng chỉ tiêu môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh lên khá tích cực: Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 96% (tăng 5% so với năm 2013); tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đạt 94% (tăng 18,74%); tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 35% (tăng 20%).

Bài 3: Trách nhiệm không của riêng ai

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top