Cần sự chung tay cả cộng đồng (bài 3)

08:30 - Thứ Tư, 04/09/2024 Lượt xem: 2664 In bài viết

Bài 3: Trách nhiệm không của riêng ai

ĐBP - Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Bài 2: Nâng cao hiệu quả xử lý rác thải

Bài 1: Bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn

Người dân hưởng ứng hoạt động bảo vệ môi trường do Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp phát động.

Để kịp thời ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống, tỉnh ta đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung về tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh và phát triển bền vững, tăng cường các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Song song với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân được chú trọng, để mọi người cùng hiểu biết và hành động vì môi trường. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường.

Những năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với môi trường, phát huy vai trò của cộng đồng trong giám sát bảo vệ môi trường. Từ năm 2017 đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Điện Biên đã tổ chức 1.250 buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường với 9.550 lượt người tham dự. Từ đó đã thu hút sự hưởng ứng tích cực của nhiều cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân bảo vệ môi trường.

Người dân huyện Mường Ảng phấn khởi khi được tặng làn nhựa để đi chợ thay cho việc sử dụng túi nilon.

Điển hình, với mong muốn mỗi tổ chức, gia đình, cá nhân sẽ nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mường Ảng, Ban Dân vận Huyện ủy và chính quyền xã Búng Lao phối hợp tổ chức “Ngày hội làn nhựa đi chợ ”. Từ những hành động nhỏ, thiết thực như: Dùng làn, giỏ xách đi chợ thay thế cho túi nilon đến việc tích cực tuyên truyền, vận động, lan tỏa trong cộng đồng nhằm giảm dần và tiến đến nói không với rác thải nhựa như túi nilon dùng một lần. Qua đó, nâng cao nhận thức người dân về sử dụng chất thải nhựa nói riêng, thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt để bảo vệ môi trường nói chung.

Với mạng lưới tổ chức đến tận thôn bản, phát huy lợi thế đó các tổ chức hội đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên gương mẫu thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai đa dạng, phong phú cả về hình thức và nội dung như: Phong trào chế biến rác thải nhựa, phân loại rác thải đầu nguồn, xây dựng những tuyến đường hoa…

Đoàn viên thanh niên phường Nam Thanh và Trung tâm khuyến nông - TVPT công nghiệp tổ chức chương trình tuyên truyền “Chợ dân sinh giảm thải rác thải nhựa” tại chợ Nam Thanh.

Hội phụ nữ các địa phương triển khai cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” trong đó “sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp” được hội viên tích cực hưởng ứng với nhiều mô hình, cách làm hay góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như: Phụ nữ TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ duy trì và nhân rộng mô hình đốt rác, hố chôn rác tự hoại; phụ nữ TX. Mường Lay thực hiện mô hình “nhà sạch, cổng đẹp”; phụ nữ huyện Điện Biên, Tủa Chùa xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; phụ nữ huyện Tuần Giáo với mô hình thu gom rác thải, dọn sạch đồng ruộng...

Đặc biệt phong trào “biến rác thải thành tiền” lan tỏa ở nhiều địa bàn, thu hút phụ nữ tham gia tích cực. Chị em thu gom rác tái chế (vỏ lon, chai nhựa, giấy…) bán lấy tiền gây quỹ hội. Đây là cách làm vừa giảm thiểu lượng rác phát sinh ra môi trường vừa tạo nguồn quỹ giúp phụ nữ khó khăn.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ: Các cấp hội phụ nữ đã linh hoạt cụ thể hóa nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Qua thực hiện các mô hình, ý thức, nhận thức của phụ nữ nói chung, khu vực vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên, chị em hiểu và tự giác thực hiện, chung tay bảo vệ môi trường.

Đoàn viên, thanh niên TP. Điện Biên Phủ vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Phát huy vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên vì môi trường xanh - sạch - đẹp, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã hăng hái tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nhiều việc làm thiết thực như: Dọn vệ sinh, trồng cây, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương... Tùy vào điều kiện thực tế của từng địa bàn, các cơ sở Đoàn đã có những hoạt động cụ thể góp phần giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường.

Đặc biệt trong các chương trình, hoạt động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, các cơ sở Đoàn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của đoàn viên và nhân dân trong xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường; triển khai xây dựng mới các tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”; trồng và chăm sóc cây xanh…

Đoàn viên thanh niên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hưởng ứng “Chương trình 1 triệu cây xanh”, trồng cây giữ gìn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, bằng những hành động nhỏ nhưng thiết thực của mỗi cá nhân sẽ góp phần lan tỏa đến người thân, cộng đồng xã hội, mang lại hiệu quả lớn trong bảo vệ môi trường. Với sự chung tay của cả cộng đồng, môi trường sẽ được bảo vệ tốt hơn, thế giới trở nên xanh hơn, sạch hơn.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top