Vấn đề kỳ này

Tính mạng người dân là trên hết

08:34 - Thứ Năm, 12/09/2024 Lượt xem: 2187 In bài viết

ĐBP - Trận lũ quét xảy ra dịp cuối tháng 7 vừa qua tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên để lại hậu quả hết sức nặng nề. Đã có 4 người chết, 3 người mất tích đến nay hơn 1 tháng không có thông tin gì (khả năng sống sót là rất nhỏ), 4 người bị thương; nhiều nhà dân bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau, hàng chục ha ruộng, nương canh tác 2 vụ lúa/năm, đường giao thông, công trình thuỷ lợi… hư hỏng hoặc bị “xoá sổ” đã nói lên điều đó.

Trong cơn lũ dữ, các lực lượng chức năng, cấp ủy chính quyền các cấp, người dân địa phương tập trung khắc phục, mong sớm ổn định cuộc sống cho bà con nơi đây. Nhưng do cơn lũ bất ngờ đổ về trong đêm, mức độ tàn phá lớn, trên phạm vi rộng, nên phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tập trung khắc phục mới mong đưa cuộc sống của người dân ổn định như trước khi lũ về.

Hậu quả của hoàn lưu bão số 2 đang “ám ảnh” người dân Điện Biên, tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, thì những ngày này, tỉnh ta tiếp tục đón nhận thông tin xấu về tình hình mưa lũ sau cơn bão số 3, tâm bão đổ bộ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… và mưa lớn diễn ra trên diện rộng.

Thường sau bão, các tỉnh xung quanh vùng tâm bão sẽ xảy ra mưa lớn, giông lốc. Càng nguy hiểm hơn, khi nhiều tháng qua, trên địa bàn tỉnh ta có mưa to và rất to, đất đã ngấm no nước, khả năng kết dính kém, nên dễ xảy ra sạt lở núi, ta luy âm, dương tại các tuyến giao thông, lũ ống, lũ quét vùng thấp trũng...

Hiện nay, qua rà soát của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh còn hơn 2.300 hộ dân thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất. Nhiều nhất là huyện Điện Biên với 839 hộ; Mường Chà 341 hộ; Nậm Pồ có 322 hộ, Mường Ảng 223 hộ... Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 100 cơ quan, trường học, tuyến đường giao thông… có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét.

Do biến đổi khí hậu, dẫn đến tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, với mức độ ngày càng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của người dân, Nhà nước.

Vì vậy, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở là việc làm cấp bách không thể chậm trễ. Việc di dân sẽ gặp khó khăn, nhất là di dân trên phạm vi rộng, vì liên quan đến kinh phí hỗ trợ di chuyển, làm nhà, tái định cư, bố trí đất sản xuất, các công trình công cộng phục vụ lợi ích nhân dân. Tuy nhiên, khó cũng phải làm, và kiên trì làm từng bước một. Kinh phí có đến đâu làm đến đó. Tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức phòng tránh mưa lũ, sạt lở.

Với người dân, khi phải di chuyển nhà cửa, vật kiến trúc đi nơi khác, rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn” là điều không mong muốn. Nhưng vì tính mạng con người là trên hết, trước hết. Còn người là còn của, nên nhất quyết phải di dời tới nơi an toàn. Sau tuyên truyền, vận động, nếu người dân không chấp hành, cố tình chống đối thì kiên quyết dùng biện pháp mạnh, kể cả cưỡng chế.

Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền bố trí đủ kinh phí để di chuyển bằng hết, đảm bảo an toàn cho những hộ dân trong vùng thiên tai, lũ lụt. Việc di chuyển theo thứ tự ưu tiên, chỗ nào nguy hiểm, cấp bách di chuyển trước, chỗ mức độ nguy hiểm vừa phải di chuyển sau. Không nên “rải” kinh phí đều về các huyện, xã, tránh lãng phí, không đúng trọng tâm trọng điểm, hiệu quả không cao.

Ngoài đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân, cần tính đến việc ổn định sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, đảm bảo cuộc sống nơi ở mới. Đó là chủ động các biện pháp phòng, chống mưa lũ, sạt lở, lũ quét, ngập lụt cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Có phương án khôi phục hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đối với diện tích sản xuất bị thiệt hại để đảm bảo lương thực, ổn định đời sống Nhân dân.

Hạ tầng cơ sở phục vụ lợi ích Nhân dân là rất quan trọng. Do vậy, cần khảo sát, tính toán, thống kê các tuyến đường nguy cơ bị sạt lở, trôi mất đường để tham mưu, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ… sẵn sàng nhân lực, phương tiện máy móc chủ động khắc phục một cách nhanh nhất. Thực hiện các biện pháp rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm đối với những vị trí nguy cơ sạt lở, cảnh báo người dân biết để chủ động đảm bảo an toàn.

Một mặt, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra đối với từng công trình, để kịp thời ứng phó hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top