Huyện Điện Biên xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh

14:43 - Thứ Năm, 19/09/2024 Lượt xem: 3700 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, các thôn, bản trên địa bàn huyện Điện Biên đã tích cực xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, qua đó, góp phần thay đổi tích cực về diện mạo nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.

Các tổ chức đoàn thể bản Ten B, xã Thanh Xương tuyên truyền người dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Đến bản Ten B, xã Thanh Xương sẽ thấy những con đường bê tông nội thôn sạch sẽ, nhà văn hóa khang trang, kinh tế của người dân ngày càng phát triển, bản không còn hộ nghèo, không có nhà tạm, dột nát. Bản Ten B có 100 hộ, 372 nhân khẩu; trong đó, 100% hộ đạt gia đình văn hóa, không có học sinh bỏ học, 100% học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, không còn tình trạng bạo lực gia đình, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm... Hàng năm, bản đều xây dựng hương ước, quy ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; bản được công nhận bản nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2021. Đây là những kết quả mà bản Ten B đạt được sau nỗ lực triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn  kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Bà Ngô Thị Ngân, Bí thư Chi bộ bản Ten B, xã Thanh Xương cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Chi ủy cùng với Ban Công tác mặt trận bản xây dựng chương trình cụ thể, phối hợp với các đoàn thể triển khai tới từng hộ nội dung của cuộc vận động qua cuộc họp bản, hệ thống loa truyền thông. Bản đẩy mạnh các phong trào, hoạt động tập thể, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội. Đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Đã thành nếp, đến ngày 15 hàng tháng, người dân trong thôn Chế Biến, xã Thanh Luông đều tập trung vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Rác thải ở khu dân cư đều được phân loại trước khi đem ra các điểm tập kết. Người dân cũng tích cực phát triển kinh tế gia đình, áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, kinh doanh đa ngành nghề, làm trang trại, dịch vụ cưới hỏi... vì vậy thu nhập bình quân của thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm. Năm 2016, xây dựng tuyến đường bê tông nội thôn, Nhà nước hỗ trợ đá, xi măng, các tổ chức đoàn thể trong thôn đã vận động nhân dân đóng góp cát, hàng trăm ngày công xây dựng, hiến hơn 1.000m2 đất. Đến nay, tất cả các tuyến đường trong thôn đều được bê tông hóa, đèn đường thắp sáng phục vụ việc đi lại của người dân.

Người dân thôn Đồi Cao, xã Thanh An vệ sinh đường nội thôn.

Hiện nay, thôn Chế Biến không còn hộ nghèo; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95%; trên 85% hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tiếp, năm 2022, thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thôn có đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ bóng chuyền. Các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng của thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, diện mạo của thôn ngày càng chuyển biến tích cực.

Ông Trần Văn Nhoan, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Chế Biến cho biết: Nếp sống văn hóa được thể hiện ngay trong từng nếp nghĩ, nếp làm, nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân; được hình thành từ ý thức trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người. Để vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, Ban Công tác mặt trận đã cùng với các đoàn thể thôn bản không chỉ tuyên truyền trong các cuộc họp mà còn đến từng hộ gia đình, thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm và sự tự giác của mỗi người dân trong các phong trào hoạt động của thôn. Hàng năm, chúng tôi còn đăng ký triển khai tự quản về môi trường, hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, trồng hoa hai bên đường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Các tuyến đường nội thôn Chế Biến, xã Thanh Luông được bê tông hóa.

Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Chế Biến chia sẻ: Khi thôn vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bản thân tôi luôn ủng hộ nhiệt tình, tham gia đầy đủ các phong trào, hoạt động của thôn.

Đến nay, huyện Điện Biên có 105/275 thôn, bản đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu; trên 85% hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”, trên 88% thôn, bản đạt văn hóa; các thôn, bản đã xây dựng hương ước để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội... Thông qua các phong trào, hoạt động thực hiện nếp sống văn minh, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào của các hội, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”, phong trào xây dựng quỹ tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới”... Các hoạt động, phong trào cũng tác động tích cực đến việc hình thành các chuẩn mực nếp sống văn hóa, từng bước chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn hóa cộng đồng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top