Công an chính quy: “Bức tường” vững chắc bảo vệ an ninh cơ sở (bài 2)

07:37 - Chủ Nhật, 29/09/2024 Lượt xem: 3697 In bài viết

Bài 2: “Luồng gió mới” đảm bảo ANTT ở cơ sở

ĐBP - Sự xuất hiện của lực lượng công an chính quy được ví như “luồng gió mới” trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ở cấp cơ sở. Bằng sự tinh thông, bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ và sự tận tâm, bám nắm địa bàn, họ đã nhanh chóng khắc phục nhiều hạn chế trước đó để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, tạo niềm tin vững chắc trong lòng Nhân dân.

Bài 1: Hành trình “hạ nhiệt” các điểm nóng

Thượng úy Khoàng Văn Động, Phó trưởng Công an xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) thăm hỏi bà con địa phương.

Vững nghiệp vụ, chắc địa bàn

Cách vài ngày, Thiếu tá Giàng A Vàng và Thượng úy Khoàng Văn Động, Trưởng, Phó Công an xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) lại phân tổ, chia nhau xuống bản nắm tình hình. Đến nhà nào, các anh cũng gọi tên, hỏi thăm từng thành viên như người thân trong gia đình. Những câu chuyện trong nhà, ngoài bản được chia sẻ cởi mở. Cũng nhờ đó mà công an xã thường xuyên nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng, phục vụ điều tra, xử lý, đảm bảo ổn định ANTT trong xã, bản cho người dân.

Từng là cán bộ Đội An ninh (Công an huyện Nậm Pồ), lại có 3 năm được giao phụ trách xã Na Cô Sa trước khi biên chế về địa bàn, nên Thượng úy Khoàng Văn Động dễ dàng thâm nhập, xây dựng mối quan hệ gắn kết với bà con.

Trong những lần “nằm vùng”, đầu năm 2023, anh Động phát hiện 3 hộ dân trên địa bàn có biểu hiện theo tà đạo “Tia chớp Phương Đông”. Trong đó, 1 hộ tại bản Pắc A2, 2 hộ bản Na Cô Sa 4. Tiếp tục bám, nắm, thu thập thông tin, công an xã xác định, các hộ dân này từng là tín đồ của đạo Tin lành. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bị hạn chế sinh hoạt tập trung nên đã lên mạng xã hội tìm hiểu, tiếp cận và bị các đối tượng lôi kéo sinh hoạt tà đạo thông qua ứng dụng zoom.

Thông qua những cuộc trò chuyện, thăm hỏi với nhân dân, lực lượng công an xã Na Cô Sa nắm bắt kịp thời tình hình ANTT trên địa bàn.

Sau khi thống nhất, họp bàn kỹ lưỡng, Công an xã Na Cô Sa đã cử tổ công tác về bản, kiên trì tuyên truyền, vận động và thuyết phục các hộ dân từ bỏ tà đạo.

“Suốt gần 2 tháng ròng rã, chúng tôi đã sử dụng rất nhiều biện pháp tuyên truyền, thuyết phục. Trong đó có 5 lần huy động sự tham gia của các lực lượng, từ chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, bí thư, trưởng bản, MTTQ và đặc biệt là các trưởng nhóm đạo cùng phối hợp. Ban đầu những hộ này chống đối, không thừa nhận. Tuy nhiên, với sự kiên trì chúng tôi đã chuyển hóa được tư tưởng, các hộ dân nhất trí hợp tác, tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo, quay trở về sinh hoạt đạo chính thống” - Thượng úy Khoàng Văn Động chia sẻ.

Ở nhiều địa bàn vùng cao, người dân thường sống rải rác thành từng nhóm dân cư nhỏ, nằm cách xa nhau.

Huyện Nậm Pồ có 15 xã, hiện nay đều được bố trí, sắp xếp đầy đủ lực lượng công an chính quy, với tổng số 104 cán bộ, chiến sĩ. Bình quân mỗi xã bố trí từ 5 - 9 đồng chí. Trong đó, riêng 8 xã biên giới, được xác định là trọng điểm về ANTT đều bố trí 8 - 9 đồng chí.

Thượng tá Vàng A Chính, Trưởng Công an huyện Nậm Pồ cho biết: Lực lượng công an chính quy khi về cơ sở đã phát huy được sự tinh nhuệ, khả năng nhạy bén trong nghiệp vụ chuyên môn. Đồng thời, bám nắm cơ sở, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT, nhất là tại các khu vực trọng điểm, điểm nóng về trật tự an toàn xã hội. Những vướng mắc, ý kiến của quần chúng nhân dân được lắng nghe, giải quyết thấu đáo ngay từ cơ sở, không để hình thành các vụ việc nổi cộm, điểm nóng gây mất ANTT địa phương.

Tiêu biểu trong thời gian qua là Công an các xã: Vàng Đán, Si Pa Phìn, Nà Bủng, Na Cô Sa… Đặc biệt, trong thực hiện Đề án 06, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hỗ trợ đắc lực cho từng trường hợp, Công an xã Vàng Đán đã hoàn thành xuất sắc yêu cầu đặt ra, trở thành đơn vị đứng thứ 16/129 xã, thị trấn trong toàn tỉnh. Năm 2023, xã Vàng Đán và Nà Hỳ là 2 đơn vị quyết thắng được biểu dương toàn huyện Nậm Pồ.

Để nâng cao hiệu quả, Công an xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) thường sử dụng tiếng dân tộc để tuyên truyền, vận động thông qua những chiếc loa di động.

Củng cố niềm tin với đồng bào

Theo nhận định của lãnh đạo nhiều địa phương, thuận lợi của lực lượng công an xã chính quy là các đồng chí từ nơi khác đến, không phải người địa phương, do đó trong công việc không sợ gặp những tình huống “khó nghĩ”, “cả nể”… bởi những ràng buộc quan hệ họ hàng, dòng tộc.

“Chúng tôi đánh giá cao vai trò của lực lượng công an chính quy ở địa bàn cơ sở. Do được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu kiến thức pháp luật, có tinh thần trách nhiệm cao nên đã nhanh chóng tạo nên sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác bảo đảm ANTT, giữ vững môi trường an toàn, thuận lợi để địa phương phát triển KT – XH.” - ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) nhận định.

Với nhiều người dân ở xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông), cán bộ công an xã như người thân trong gia đình.

Còn tại xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) - xã có tới 23 bản, với trên 1.500 hộ, gần 8.000 nhân khẩu, phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số. Lực lượng công an xã được bố trí 9 đồng chí (mức tối đa), nên khối lượng và áp lực công việc rất lớn. Đặc biệt, nhiều năm liền, địa bàn này thường xuyên nổi lên tình trạng trộm cắp; tội phạm buôn bán, tàng trữ ma túy, nhất là số lượng lớn đối tượng nghiện ma túy (trên 100 người).

Các đối tượng phạm tội thường quen biết, có mối quan hệ họ hàng với cán bộ, lãnh đạo địa phương, thậm chí là lực lượng công an ở xã. Do vậy, khi đấu tranh, xử lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền địa phương, hạn chế này đã được khắc phục khi công an chính quy từ nơi khác về.

Với phương châm “Trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”, lực lượng công an xã chính quy đã và đang ghi nhiều dấu ấn trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Hơn thế, hình ảnh công an xã chính quy với tinh thần trách nhiệm, gần dân được bà con quý mến, nên có thông tin gì bà con cung cấp ngay, công an xã cũng sẵn sàng hỗ trợ bà con về mặt thủ tục khi cần.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top