Công an chính quy: “Bức tường” vững chắc bảo vệ an ninh cơ sở (bài 3)

09:25 - Thứ Hai, 30/09/2024 Lượt xem: 4947 In bài viết

Bài 3: Tiến tới tinh nhuệ, hiện đại

ĐBP - Trước những yêu cầu đặt ra của thực tế, đòi hỏi lực lượng công an không chỉ chính quy, tinh nhuệ mà phải ngày càng hiện đại. Điều này càng cấp thiết hơn đối với đội ngũ công an xã - lực lượng sát sườn, thường trực trong phát hiện, xử lý các tình huống phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) ngay từ cơ sở.

Bài 2: “Luồng gió mới” đảm bảo ANTT ở cơ sở

Bài 1: Hành trình “hạ nhiệt” các điểm nóng

Với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, Công an xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) quản lý tốt các trường hợp tái hòa nhập cộng đồng.

Hợp nhất, kiện toàn lực lượng

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 12 về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương xác định công an xã, thị trấn phải bám sát cơ sở, thực hiện tốt “4 cùng” với nhân dân. Đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chung tiếng nói với đồng bào dân tộc thiểu số. Là tỉnh biên giới miền núi, với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác này càng được Công an tỉnh Điện Biên chú trọng.

Công an xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ phối hợp cùng các lực lượng ra quân tuần tra, kiểm soát địa bàn.

Mường Nhé là 1 trong 74 huyện nghèo cả nước song đã đi đầu trong việc hoàn thành và vượt chỉ tiêu, chất lượng đưa công an chính quy về xã, với hơn 5 công an viên/xã ngay từ ngày đầu triển khai.

“Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, song chúng tôi đã hoàn thành và thực hiện thêm được nhiều đầu việc khác, như: Cung cấp phương tiện (xe máy), trang thiết bị cho công an xã. Chúng tôi cũng ưu tiên cán bộ thuộc dân tộc nào thì bố trí làm việc tại vùng của dân tộc đó. Các đồng chí Công an về xã đều biết tiếng dân tộc. Ngoài ra Công an tỉnh cũng mở các lớp đào tạo tiếng dân tộc để các đồng chí thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.” - Trung tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết.

Còn tại xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ), thời điểm đầu triển khai (năm 2020) được biên chế 4 cán bộ chiến sĩ. Để đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn, năm 2022 Công an huyện bổ sung 2 đồng chí về công tác tại xã Na Cô Sa. Đến năm 2023 tiếp tục bổ sung, kiện toàn tổng số 8 đồng chí.

Với sự quan tâm của các cấp, Công an xã Na Cô Sa đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác.

Thiếu tá Giàng A Vàng, Trưởng Công an xã Na Cô Sa cho biết: “Không chỉ có địa bàn rộng, dân cư sống rải rác mà Na Cô Sa còn là xã biên giới phức tạp về ANTT, nhất là hoạt động đạo. Điều này trở thành áp lực lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ khi được phân công về làm công an cơ sở. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, không chỉ bổ sung, kiện toàn về quân số, mà chúng tôi còn được đầu tư, trang bị đầy đủ các điều kiện công tác. Do vậy, anh em luôn xác định nỗ lực và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.”

Tiến tới tinh nhuệ, hiện đại

Nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường của từng cán bộ công an về công tác tại địa bàn cơ sở, Công an tỉnh đã chủ động rà soát, lập danh sách những cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm để bố trí cho lực lượng công an các xã. Ưu tiên một số địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh phức tạp về ANTT. Cùng với đó, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; có cơ chế, chính sách quan tâm, động viên kịp thời, thỏa đáng giúp cán bộ công an đi cơ sở thực sự yên tâm công tác.

Theo đánh giá của lãnh đạo Công an tỉnh, cách làm này đã tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức từ cấp ủy, lãnh đạo, đến từng cán bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa lực lượng công an chính quy về xã. Hầu hết đều nhận thức sâu sắc và vui vẻ chấp hành các quyết định của tổ chức. Đặc biệt, nhiều cán bộ đã viết đơn tình nguyện về công tác tại cơ sở, sẵn sàng góp sức bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Trước thực trạng lừa đảo công nghệ ngày càng phức tạp, Công an xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân sử dụng mạng xã hội an toàn.

Với cách triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế, hiện nay cơ cấu, tổ chức bộ máy của lực lượng công an xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được củng cố, tăng cường.

Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã bố trí 819 cán bộ công an chính quy tại 120/120 xã, thị trấn; trong đó có 120 trưởng công an xã, thị trấn, 202 cấp phó. Hiện trung bình mỗi xã có từ 6 - 8 biên chế; 41/120 xã đã bố trí từ 8 biên chế trở lên. Hiện nay, công an các xã đang tích cực xây dựng, củng cố lực lượng ở cơ sở, từng bước thành lập và ra mắt chi bộ, tổ chức đoàn thanh niên; trưởng công an xã tham gia ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn.

Cán bộ Công an xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an xã chính quy, Công an tỉnh quan tâm phối hợp với các địa phương bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; nhà công vụ. Đầu tư trang thiết bị chuyên dụng chính quy, hiện đại; trang cấp xe mô tô, ô tô bán tải cho lực lượng công an xã thực hiện nhiệm vụ.

Đại tá Lù Minh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhận định: Qua 5 năm triển khai xây dựng công an xã, chính quy đã khẳng định chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Lực lượng công an xã, thị trấn chính quy khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; đồng thời, xác định “Một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Do vậy, Công tỉnh Điện Biên cũng xác định từ nay tới năm 2025, 100% cán bộ chiến sĩ đảm bảo về trình độ chuyên môn, am hiểu ngoại ngữ, tin học; am hiểu phong tục tập quán, tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. 100% cán bộ công an xã, thị trấn được bồi dưỡng, sử dụng tiếng đồng bào phù hợp theo từng địa bàn.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top