ĐBP - Sau Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, lớp lớp thanh niên Hà Nội tình nguyện xung phong lên Ðiện Biên xây dựng kinh tế miền núi. Họ đã cống hiến hết mình, hi sinh và gắn bó với mảnh đất Ðiện Biên như quê hương thứ hai.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa III), dưới sự chỉ đạo của Trung ương Ðoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh) và Thành ủy Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào vận động thanh niên Thủ đô xung phong tình nguyện đi xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Trong đó, trọng điểm là tỉnh Lai Châu (nay là 2 tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu). Ðã có hơn một vạn thanh niên, học sinh thành phố gia nhập các đội thanh niên xung phong (TNXP) Tháng Tám Thủ đô. Kết thúc Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, nhiều đơn vị chuyển quân, Sư đoàn 316 ở lại vừa bảo vệ biên giới vừa xây dựng, biến chiến trường thành nông trường.
Ông Tống Văn Minh, người con của phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là một trong những thanh niên Thủ đô có mặt tại lòng chảo Ðiện Biên từ năm 1963, làm công nhân nông trường. Bố mẹ ông mất sớm, ngày ông lên đường chỉ kịp thông báo cho người anh trai và chụp vội bức ảnh thời trai trẻ làm kỷ niệm. Với ông Minh, Ðiện Biên thời điểm đó là một miền đất đầy hứa hẹn, nơi ông có thể khám phá và cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vợ ông cũng là một trong những TNXP người gốc Hà Nội, họ cùng lên Ðiện Biên xây dựng nông trường, xây dựng kinh tế mới.
Ông Tống Văn Minh cho biết: “Tôi chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của Ðiện Biên, từ một nông trường ngổn ngang vết tích chiến tranh đến miền đất đang ngày càng phát triển. Sự thay đổi ấy không chỉ thể hiện ở cơ sở hạ tầng khang trang mà còn trong đời sống văn hóa, xã hội của người dân nơi đây. Sinh sống rồi gắn bó với mảnh đất gian khó đã hơn 60 năm, Ðiện Biên đã trở thành quê hương thứ hai đối với tôi”.
Dẫu xa Hà Nội hơn nửa thế kỷ, nỗi nhớ phố phường vẫn đau đáu trong lòng những người con Thủ đô song họ vẫn gắn bó với mảnh đất còn nhiều gian khó cùng con cháu. Nối tiếp thế hệ ông cha, những thanh niên Hà Nội thế hệ mới lên với mảnh đất Ðiện Biên sinh sống, lập nghiệp. Họ trở thành sợi dây kết nối sâu nặng giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Ðiện Biên.
Như anh Nguyễn Phú Hoàng quê huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Ấp ủ tình yêu với mảnh đất anh hùng, năm 2007 ngay sau khi tốt nghiệp Ðại học Mở Hà Nội, anh Hoàng quyết định lên Ðiện Biên lập nghiệp. Sau 14 năm nỗ lực, phấn đấu, đến nay anh Hoàng đang là Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ (Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên). Trung bình mỗi năm, Trung tâm tuyển sinh và đào tạo bồi dưỡng 500 - 700 học viên tiếng Anh và tin học hệ giáo dục thường xuyên.
Anh Nguyễn Phú Hoàng cho biết: Sau khi lên Ðiện Biên, tôi đã tìm hiểu nhu cầu giáo dục tại địa phương; đặc biệt là kỹ năng công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Ðiều này đã thôi thúc việc thành lập Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ. Với sự kiên trì và tâm huyết, chúng tôi bắt đầu từ những lớp học nhỏ, rồi từng bước mở rộng quy mô đào tạo.
Ðể nâng cao chất lượng giảng dạy, anh Hoàng không ngừng cập nhật kiến thức và phương pháp mới. Nhờ đó, Trung tâm đã trở thành địa chỉ uy tín, thu hút nhiều học viên.
Như một mối liên hệ đặc biệt, nhiều người con của đất Thăng Long - Hà Nội đã đến rồi gắn bó với Ðiện Biên - mảnh đất biên viễn phía Tây Bắc của Tổ quốc và coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Dẫu còn nhiều thử thách nhưng những người con Hà Nội vẫn luôn chung sức, đồng lòng, góp một phần nhỏ bé cùng nhân dân Ðiện Biên phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống mới.