Tăng cường bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng

15:04 - Thứ Năm, 31/10/2024 Lượt xem: 1773 In bài viết

Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật công nghệ đã làm ngành xuất bản truyền thống thay đổi. Các sách điện tử và các cách thức mới truyền đạt tác phẩm đến công chúng được tạo ra dễ dàng bằng các thiết bị điện tử và Internet.

 Ảnh minh họa: CM

Theo đó, các vi phạm bản quyền xảy ra phức tạp, khó kiểm soát gây thiệt hại đến các nhà xuất bản, thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả và gián tiếp ảnh hưởng thiệt hại đến ngành xuất bản, làm giảm năng lượng sáng tạo mới, và kết quả là việc tiếp cận với các tác phẩm giá trị của công chúng bị giảm sút.

Hiện nay, đối tượng của xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng chủ yếu là các xuất bản phẩm điện tử: sách điện tử (e-book), sách nói (audio-book), sách tương tác, sách 3D,... Các đối tượng tự ý chuyển đổi sách in thành bản điện tử mà chưa được sự cho phép, chưa trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với sách, có thể đã đăng tải lên môi trường mạng hay cố tình sử dụng, tải về các sách điện tử, sách nói không có bản quyền.

Bên cạnh đó, tự ý đăng tải sách điện tử, sách nói lên môi trường mạng, tự ý lan truyền, chia sẻ lại các bản điện tử của sách lên các hội, nhóm, mạng xã hội, website cung cấp cho người dùng xem, tải về kèm theo thu phí.

Trên môi trường mạng, nhiều đối tượng cố tình thực hiện các thủ thuật công nghệ, bẻ khóa, phá bỏ các biện pháp công nghệ được áp dụng để bảo vệ bản sách điện tử như ngăn chặn việc sao chép, tải về, cài đặt mật khẩu để hạn chế truy cập hay cố tình xóa bỏ, thay đổi các thông tin về tác giả, chủ sở hữu, thường là các thông tin, logo xuất hiện trên bìa sách, góc trên hoặc góc dưới của mỗi trang sách.

Nhiều đối tượng còn sửa chữa, xuyên tạc nội dung sách, cắt ghép nội dung sách này vào sách kia làm thay đổi nội dung chính của sách. Xâm phạm quyền đứng tên, nêu tên trên tác phẩm, truyền đạt, chia sẻ hợp pháp các sách điện tử có bản quyền nhưng lại không ghi nguồn, không chú thích các thông tin về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với sách, cố tình không nêu hoặc nêu sai tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với sách.

Đáng chú ý, nhiều đối tượng chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng vẫn chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan. Mua sách rẻ mặc dù có thể biết hoặc không biết đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền. Thậm chí, một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt là các chủ sở hữu quyền như nhà xuất bản, khi có tranh chấp vẫn chưa cung cấp đủ các bằng chứng liên quan về quyền của mình cho cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Một số cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm.

Chính vì lẽ đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách. Đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ thể quyền cần nhận thức nghiêm túc và hiểu rõ các quyền được bảo hộ đối với các tài sản trí tuệ. Chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa như đi đăng ký bản quyền; chuẩn bị, lưu trữ hồ sơ, chứng cứ chứng minh việc sáng tạo, chứng minh quyền sở hữu; chủ động ứng dụng công nghệ kỹ thuật như áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền gắn với tác phẩm; tạo lập, xây dựng một cộng đồng những chủ thể quyền cùng liên kết với nhau vừa bảo vệ bản quyền, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy cùng phát triển.

Đồng thời, cần có ý thức tôn trọng, bảo vệ sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật và khoa học qua các tác phẩm sách, thể hiện trước hết bằng việc đọc, xem, sử dụng sách có bản quyền và không sao chép, chia sẻ sách của người khác mà chưa được sự đồng ý dưới mọi hình thức.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của các chủ thể quyền, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và người dân về thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan bằng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, tập trung vào các nhóm chủ thể cụ thể, đặc thù riêng như nhóm chủ thể có quyền, nhóm doanh nghiệp làm trong lĩnh vực sáng tạo, nhóm khai thác, sử dụng,…; tổ chức tập huấn đội ngũ làm công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top