Gian nan giảm nghèo ở Hô Nậm Cản

16:18 - Thứ Năm, 31/10/2024 Lượt xem: 3421 In bài viết

ĐBP - Cách trung tâm TX. Mường Lay gần 8km, bản Hô Nậm Cản, xã Lay Nưa là nơi sinh sống của hơn 70 hộ dân đồng bào dân tộc Mông. Khoảng 3 năm trở lại đây, liên tiếp các dự án về điện, đường và hỗ trợ sản xuất được triển khai tại bản, nâng cao đời sống người dân. Vậy nhưng câu chuyện giảm nghèo ở Hô Nậm Cản vẫn còn lắm gian nan.

Trong 2 năm 2022 - 2023 bản Hô Nậm Cản đã có 27 nhà đại đoàn kết được hoàn thành.

Hô Nậm Cản là 1 trong 57 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi đến cuối năm 2020, cả bản 64 hộ thì có đến 55 hộ nghèo. Những ai đã từng đến Hô Nậm Cản trước năm 2021 sẽ cảm nhận rõ những khó khăn, vất vả của một bản vùng cao “toàn không” này. Con đường đất vắt vẻo sườn núi nối từ tỉnh lộ 142 lên Hô Nậm Cản dài gần 8km, mùa khô có thể đi lại nhưng vào mùa mưa thì trơn trượt, sình lầy, di chuyển vô cùng khó khăn.

Không chỉ khó về giao thông, trước năm 2023, Hô Nậm Cản chưa có điện. Nhớ lại những ngày tháng sống trong cảnh không điện, giao thông đi lại khó khăn, Trưởng bản Ly A Vân chia sẻ: Khi ấy bà con trong bản chủ yếu sử dụng đèn dầu. Rồi khi cuộc sống khá hơn, vài gia đình góp tiền mua được chiếc tua bin nhỏ lắp bên dòng suối phát điện thắp sáng. Thế nhưng, chỉ một trận mưa to, nước đổ về cuốn phăng chiếc tua bin. Vào mùa khô nước suối cạn, thủy điện mini không thể phát điện. Không có điện, người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế, nhất là việc học của của con trẻ.

Đầu năm 2021, tuyến đường nhựa từ trung tâm TX. Mường Lay lên bản Hô Nậm Cản với tổng mức đầu tư 13,6 tỷ đồng chính thức được khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng sau đó 5 tháng. Cùng thời điểm này, hệ thống điện lưới quốc gia dài 7km cũng được đầu tư về bản. Khát khao mong chờ được sử dụng điện của bà con Hô Nậm Cản đã trở thành hiện thực khi đầu năm 2023, những ánh điện từ hệ thống điện lưới quốc gia lần đầu tiên được thắp sáng những ngôi nhà trong bản.

Ông Giàng A Phía, Bí thư Chi bộ bản Hô Nậm Cản chia sẻ: “Người dân chúng tôi mong có điện từ lâu lắm rồi, có điện mọi sinh hoạt đều thuận tiện, con cháu học hành tốt hơn”.

Cán bộ Trung tâm Y tế TX. Mường Lay khám sức khỏe cho người dân bản Hô Nậm Cản.

Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2024, liên tiếp các dự án đầu tư hạ tầng cũng như hỗ trợ sản xuất đã được đầu tư cho bản Hô Nậm Cản. Ngoài hệ thống điện lưới, đường giao thông, Hô Nậm Cản còn được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt; sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ trồng cây dược liệu và phát triển chăn nuôi giống gà Mông… Tổng mức đầu tư các chương trình, dự án lên tới gần 24 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, trong 2 năm 2022 - 2023, bản Hô Nậm Cản đã có 27 ngôi nhà đại đoàn kết được hoàn thành, mang đến niềm vui, sự sẻ chia, được kỳ vọng là động lực để người dân sớm thoát nghèo.

Có đường, có điện, nhà tạm nhà dột nát dần được xóa đã làm thay đổi diện mạo của bản vùng cao Hô Nậm Cản. Thế nhưng, trên thực tế, câu chuyện giảm nghèo của Hô Nậm Cản vẫn là bài toán làm đau đầu chính quyền địa phương mà nguyên nhân là ý chí vươn lên của người dân còn hạn chế, bà con chưa thực sự đoàn kết, thiếu đồng thuận trong thực hiện chủ trương, thụ hưởng chính sách và các hộ đều rất… đông con. 

Ông Mai Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Lay Nưa cho biết: “Cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến xã đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động bà con nhân dân định canh, định cư, phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ về kỹ thuật, đầu tư con giống, chăn nuôi gia súc, gia cầm; vận động nhân dân trồng rừng phòng hộ, cây dược liệu để tăng thu nhập cải thiện đời sống. Tuy vậy, khó khăn vẫn còn nhiều vì nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng rất bấp bênh, vẫn thiếu tư liệu, thiếu đất sản xuất. Rào cản lớn nhất hiện nay khiến công tác giảm nghèo ở bản bị kìm hãm, trì trệ đó là tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn phổ biến.  

Nguồn thu nhập chính của người dân bản Hô Nậm Cản dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng rất bấp bênh.

Được biết, ở Hô Nậm Cản, cộng tác viên dân số vẫn thường xuyên “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ. Cơ quan, đoàn thể địa phương thường xuyên tổ chức lồng ghép chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, tuyên truyền các biện pháp tránh thai đến từng nhà... Tuy nhiên, không ít người có tư tưởng đông con thì có đông lao động để tăng thu nhập, từ đó họ mặc nhiên sinh đông, sinh dày bất chấp hệ lụy mai sau.

Thời điểm cả bản Hô Nậm Cản có 74 hộ thì có đến 72 hộ… rất nhiều con. Nhà nào ít thì sinh 5 - 7 con, thậm chí có cặp vợ chồng năm nay 42 - 43 tuổi có đến 11 người con. Việc sinh nhiều con đã và đang gây trở ngại cho công tác giảm nghèo, gây áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở Hô Nậm Cản. Thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em không được chăm lo toàn diện. Người chồng chỉ riêng lo cái ăn hằng ngày cho đàn con và người vợ đã không đủ thời gian suy tính gì cho phát triển sinh kế; người vợ thì đẻ nhiều, sa sút về sức khỏe, hiệu suất lao động kém. Cuộc sống của họ cứ luẩn quẩn, bế tắc trong cái vòng “đông con - nghèo đói” không tìm được lối ra.

Những ngày tháng 10, công tác rà soát đánh giá hộ nghèo ở bản Hô Nậm Cản đang được triển khai, tuy chưa có số liệu chính thức song rà soát bước đầu cho thấy tỷ lệ hộ nghèo trên 75% và khoảng 15% hộ cận nghèo. Để Hô Nậm Cản thoát nghèo, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước cần sự vượt khó, vươn lên của chính người dân. Nếu bản thân người dân không quyết tâm, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì câu chuyện giảm nghèo ở Hô Nậm Cản vẫn còn lắm gian nan.  

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top