An toàn lao động là trên hết

06:30 - Chủ Nhật, 03/11/2024 Lượt xem: 1221 In bài viết

Những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người lao động.

Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 3.201 vụ tai nạn lao động làm 3.065 người bị nạn. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động chủ yếu do người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn hạn chế, chủ quan. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thật sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…

Nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, ngày 28-10-2024, Chính phủ đã có Nghị quyết số 209/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TƯ ngày 19-3-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; xác định rõ phát triển kinh tế phải gắn với việc bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sức khỏe của người lao động.

Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, các cơ quan chức năng, địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và gây bức xúc trong dư luận xã hội nhằm răn đe và tuyên truyền tính nghiêm minh của pháp luật.

Các doanh nghiệp cần tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp; phòng ngừa tai nạn lao động do sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập... Đồng thời thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, chứng chỉ nghề cho người lao động theo quy định. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác báo cáo, thống kê, cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp thực hiện cho được những chỉ tiêu đề ra trong Chỉ thị số 31-CT/TƯ, đó là phấn đấu giảm tai nạn lao động, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

Mục tiêu của chúng ta là phát triển kinh tế bền vững phải gắn với bảo đảm cho mọi người được làm việc trong những điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top