Mèo Vạc đột phá trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

23:37 - Chủ Nhật, 03/11/2024 Lượt xem: 1453 In bài viết

Theo thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn mở 27 lớp dạy nghề với 917 học viên tham gia tại các xã, thị trấn, đạt 83,61% kế hoạch năm. Giải quyết việc làm cho 9.275 lao động (LĐ), đạt 463,75% so với kế hoạch năm. Trong đó, 8.397 LĐ làm việc ngoài tỉnh và làm việc tại Trung Quốc theo “Biên bản thống nhất về quản lý LĐ qua biên giới”, đạt 699,75% kế hoạch năm; có 2.934 LĐ được giải quyết việc làm mới, đạt 244,5% kế hoạch năm.

Nông dân thôn Tò Đú, thị trấn Mèo Vạc tham gia tập huấn trồng thâm canh giống cây lê phục vụ du lịch.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, huyện Mèo Vạc đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, huy động sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể ở địa phương đối với công tác dạy nghề và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn bằng các biện pháp như: Đổi mới chương trình dạy nghề, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề; rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐ tại các xã, thị trấn, trên cơ sở đó có kế hoạch dạy nghề phù hợp. Tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị và từng đối tượng, như tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, thông qua họp thôn, tổ khu phố, pano, băng zôn, tổ chức hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên...

Đồng chí Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mèo Vạc cho biết: Từ các chương trình triển khai, thực hiện đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của công tác dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐ nông thôn. Hằng năm, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các công ty, doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm; phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp đưa người LĐ đi làm việc có thời hạn trong và ngoài nước. Tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người LĐ nắm bắt được các thông tin về đào tạo nghề, việc làm, từ đó có nhiều cơ hội lựa chọn nghề học, việc làm phù hợp với năng lực, sở trường.

Song song với đó, huyện quan tâm, tạo điều kiện, ban hành cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các xã, thị trấn, qua đó truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề theo hướng tăng thời lượng thực hành trực tiếp trên thực địa.

Nhiều LĐ sau khi học nghề đã được giới thiệu và làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài huyện hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nhiều LĐ đã áp dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao. Qua đó thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất LĐ, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)
Bình luận

Tin khác

Back To Top