Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

09:00 - Thứ Hai, 04/11/2024 Lượt xem: 2045 In bài viết

Chiều 3-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp, chiều 3-11. 

Tóm tắt tờ trình Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật được tiếp thu, rà soát, sửa đổi và kết cấu lại gồm 9 chương và 94 điều, giảm 36 điều so với dự thảo Luật kèm Tờ trình số 410/TTr-CP.

So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn. Trong đó, ở nhóm chính sách 2, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, bảo đảm thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Theo ông Đào Ngọc Dung, Dự thảo Luật cũng linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm…

Đáng chú ý, ở nhóm chính sách 4, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Theo đó, sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm: Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác; Nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội (để bảo đảm phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; Nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội; Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng thời, bổ sung quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương, bao gồm vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác, giao Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho hay, nhiều nội dung, vấn đề đã được Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình và thể hiện trong dự thảo Luật, tuy nhiên, còn một số nội dung giải trình, tiếp thu cần tăng tính thuyết phục hơn.

Ủy ban Xã hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Điều 7), trong đó, có việc chuyển nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội và việc bảo đảm nguồn lực cho vay đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương còn nhận sự hỗ trợ của ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung các quy định nguyên tắc cơ bản, phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động và bảo đảm tính khả thi của quy định về chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn; chính sách việc làm công; chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên và chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi…

Theo đề xuất của Ủy ban Xã hội, hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục giải trình đầy đủ các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm tra; tiếp tục rà soát, không quy định trong dự thảo Luật các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành và nội dung đã được quy định ở các luật khác và chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top