Đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

08:36 - Thứ Sáu, 08/11/2024 Lượt xem: 2293 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là tỉnh vùng cao biên giới với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống. Những năm qua cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội gắn với giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tuần Giáo phối hợp bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của xã Chiềng Sinh.

Điện Biên có 19 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, còn lại là các dân tộc khác. Những năm gần đây, đời sống của bà con DTTS tuy đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Theo dự ước, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo mới năm 2024 còn trên 21,6%, trong đó hộ nghèo DTTS chiếm đến 99,15% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Để nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội gắn với giảm nghèo nhằm giúp người dân ổn định đời sống.

Ông Vũ Văn Công, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Giai đoạn 2019 - 2024, tổng số lao động trên địa bàn tỉnh tham gia học nghề đạt trên 52.000 người (bình quân trên 8.600 người/năm), trong đó học viên là người DTTS chiếm 82,5%; giải quyết việc làm mới cho trên 59.000 lao động, trong đó lao động vùng đồng bào DTTS chiếm từ 75 - 78% so với tổng số lao động được giải quyết việc làm mới. Hàng năm, tỉnh giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ cho các đối tượng chính sách, trợ cấp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đáng chú ý, tỉnh đã phát động, triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua để tăng cường nguồn lực xã hội hóa giúp đồng bào DTTS thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống. Điển hình Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tỉnh, trong 5 năm qua đã vận động và phân bổ 427 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ làm mới, sửa chữa gần 10.400 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 138 hộ gia đình phát triển sinh kế, 117 hộ làm công trình vệ sinh; tặng hơn 22.000 suất quà tết cho người nghèo, hỗ trợ hơn 3.800 học sinh con em hộ nghèo đi học, hỗ trợ 66 người nghèo khám chữa bệnh tại cơ sở y tế và nhiều hỗ trợ khác cho đối tượng thụ hưởng chủ yếu là đồng bào DTTS. Thời gian qua, tỉnh cũng đang tập trung thực hiện Chương trình “Bừng sáng Điện Biên” nhằm đưa điện đến với các thôn, bản vùng cao, giúp người dân vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia để nâng cao đời sống.

Do trình độ nhận thức còn hạn chế, đồng bào vùng DTTS vẫn tồn tại hủ tục sinh nhiều con, để người chết quá lâu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Trước tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức cụ thể: Tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn; biên soạn, in ấn và cấp phát tài liệu; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về chính sách dân tộc, hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thành lập và duy trì các câu lạc bộ hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Nhờ vậy, nhận thức của người dân từng bước được nâng cao, người dân đã dần xóa bỏ các hủ tục.

Quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, xóa bỏ hủ tục trong đồng bào DTTS, đời sống của người dân đã từng bước cải thiện và nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, thu nhập bình quân đầu người tăng khá qua các năm; người dân đã được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật ngày càng được nâng cao. Từ đó, củng cố niềm tin của đồng bào các DTTS với Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top