Cuộc sống mới bên cầu Pa Phông

07:05 - Thứ Bảy, 09/11/2024 Lượt xem: 3541 In bài viết

ĐBP - Pa Phông là cầu treo thuộc xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa. Cầu Pa Phông bắc ngang hai vách núi đá sừng sững, nối trung tâm xã Huổi Só đến khu tái định cư Huổi Lóng với một vịnh nhỏ, xanh như ngọc trong lòng hồ thủy điện sông Đà, tạo nên khung cảnh hữu tình. Cầu Pa Phông đang trở thành điểm đến lý tưởng của du khách đam mê khám phá vẻ đẹp vùng Tây Bắc, bởi đất và người nơi đây…

Cầu Pa Phông bắc ngang lòng hồ xanh như ngọc tạo nên khung cảnh hữu tình, là điểm đến lý tưởng của du khách.

Là địa bàn vùng cao, cách trở, đường sá khó khăn, việc phát triển du lịch ở Pa Phông khá muộn. Thông thường du khách chỉ ngang qua Pa Phông ngắm cảnh rồi di chuyển tiếp trên lòng hồ bởi nơi này không có dịch vụ lưu trú, khám phá, trải nghiệm… Vài năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền tảng mạng xã hội, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Tủa Chùa, Pa Phông dần trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua khi khám phá, tham quan huyện vùng cao Tủa Chùa.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Tủa Chùa cho biết: Với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, mấy năm qua, Trung tâm đẩy mạnh truyền thông, đưa hình ảnh Pa Phông thành điểm đến thu hút du khách. Trung tâm kết hợp với Huyện đoàn, Hội LHPN, Đoàn xã Huổi Só tham gia vận động nguồn lực xã hội hóa tiến hành cải tạo cảnh quan, trồng cây, dựng bờ đá, đường đá đi quanh khu vực chân cầu Pa Phông tạo điểm check-in cho du khách. Người dân thấy được tiềm năng phát triển du lịch Pa Phông đã đầu tư dịch vụ kèm theo như ăn uống, nghỉ qua đêm.

Những tháng cuối năm là thời gian du khách thập phương tìm về khám phá vẻ nguyên sơ, hữu tình của vịnh Pa Phông.

Khám phá vẻ đẹp Pa Phông, chúng tôi có mặt tại Homestay Pa Phông ngay chân cầu. Đây là hộ tiên phong phát triển dịch vụ du lịch tại Huổi Só. Chị Quàng Thị Hoa, chủ Homestay chia sẻ: Du khách đến cầu Pa Phông chủ yếu vào cuối năm, mùa nước lên, đặc biệt là dịp tết. Từ năm 2021, nhận thấy tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch tại Pa Phông, gia đình tôi đầu tư mở dịch vụ lưu trú tại đây. Đến thời điểm hiện tại, các dịch vụ dần hoàn thiện, du khách khi nghỉ lại có thể trải nghiệm văn hóa văn nghệ, ẩm thực, nghỉ dưỡng, câu cá, khám phá lòng hồ… Trung bình mỗi tháng Homestay Pa Phông đón từ 11 - 15 đoàn khách, mỗi đoàn từ 4 - 25 người chưa tính khách lẻ. Khách chủ yếu là người trong tỉnh và du khách nước ngoài. Nhờ nguồn khách ổn định, mỗi tháng trong mùa nước lên gia đình thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài homestay của gia đình chị Hoa có thêm 5 gia đình trong xã Huổi Só bắt đầu xây dựng, phát triển dịch vụ ăn uống, dừng chân, đi thuyền tại khu vực cầu Pa Phông.

Du khách khám phá, trải nghiệm cho cá ăn, bắt cá lồng trên lòng hồ.

Là một trong 5 hộ đang đầu tư xây dựng, phát triển dịch vụ phục vụ du khách tại khu vực cầu Pa Phông, anh Lý A Họp, thôn 2, xã Huổi Só chia sẻ: Mặc dù hiện tại đường đi từ trung tâm huyện Tủa Chùa vào xã Huổi Só vẫn đang thi công, đi lại khó khăn nhưng lượng du khách không giảm. Gắn với lợi thế của địa phương, gia đình dựng điểm nghỉ chân, phục vụ ăn uống, đi thuyền khám phá vịnh Pa Phông… Dự kiến đầu năm 2025 cơ sở của gia đình sẽ bắt đầu phục vụ du khách.

Các hộ gia đình dựng khu nghỉ chân cạnh cầu Pa Phông phục vụ du khách.

Tới Pa Phông du khách nghỉ dưỡng, khám phá trải nghiệm lòng hồ và còn tìm hiểu nét văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa, thăm thú hang động Pê Răng Ky, suối Lạng Giang, đắm mình vào chiều tà trên cung đường uốn lượn theo lòng hồ sông Đà…

Một số dịch vụ phục vụ du khách khám phá vẻ đẹp Pa Phông đang được người dân đầu tư, hoàn thiện. Trong ảnh: Thuyền chở du khách khám phá Pa Phông của gia đình chị Hoa, chủ Homestay Pa Phông.

Đời sống kinh tế - xã hội của người dân bên cầu Pa Phông ở xã vùng cao Huổi Só đang khởi sắc từ khai thác lợi thế sẵn có về thiên nhiên, cảnh quan, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Quan trọng hơn cả là sự chuyển biến về tư duy, nhận thức của người dân nơi đây, khi họ đã biết nắm bắt cơ hội, sẵn sàng đầu tư, phát triển du lịch, mang lại thu nhập cho gia đình, đổi thay diện mạo quê hương.

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top