Vấn đề kỳ này

Cần thêm những tấm lòng thiện nguyện

07:10 - Thứ Bảy, 16/11/2024 Lượt xem: 2271 In bài viết

ĐBP- Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống. Do xa trung tâm các thành phố lớn, vị trí địa lý không mấy thuận lợi, giao thông cách trở, thiên tại dịch bệnh thường xuyên xảy ra... nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Điện Biên chiếm hơn 21%. Đồng nghĩa có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ, giúp đỡ cả vật chất, tinh thần để vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài bố trí lồng ghép các nguồn vốn Nhà nước, vốn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài đầu tư hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ cây, con giống; các mô hình khuyến nông, khuyến công; hỗ trợ về y tế, giáo dục... nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Điện Biên giảm bình quân 4 - 5%/năm; với các huyện nghèo đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu hơn.

Người xưa có câu: “An cư mới lạc nghiệp”. Trong những năm gần đây, Điện Biên đã chú trọng công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ tư liệu sản xuất cho người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội. Nổi bật là Đề án Xóa nhà tạm do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Với số tiền ủng hộ trên 250 tỷ đồng, tỉnh đã phân bổ làm 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Chỉ trong hơn 7 tháng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đề án Xóa nhà tạm đã về đích đúng hẹn, kịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/2024. Thống kê cho thấy, 5 năm qua, Điện Biên đã xóa trên 10.000 căn nhà dột nát, nhà tạm, giúp người dân an cư, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu thực tế, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên chỉ đạo, đề ra giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân một cách sát thực, hiệu quả nhất. Việc tỉnh kêu gọi các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp, doanh nhân… hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương xây trường học, nhà ở bán trú cho học sinh tại địa bàn xa xôi, khó khăn gần đây là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của học sinh con em các DTTS nơi rẻo cao, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã hỗ trợ trên 15 tỷ đồng xây dựng 2 trường học tại xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) và Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông), bàn giao trung tuần tháng 10 vừa qua, đã giúp hàng trăm học sinh cấp tiểu học có chỗ ngồi học khang trang, ấm cúng. Quan điểm của lãnh đạo Ngân hàng SHB: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Hi vọng trong tương lai gần, chính các em học sinh hôm nay được hưởng môi trường giáo dục thuận lợi, chu đáo sẽ trở thành nguồn lao động chính, lao động chất lượng cao của địa phương và đất nước.

Cách đây chưa lâu, thông qua Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên, Báo Phụ nữ Thủ đô, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng hỗ trợ 450 triệu đồng xây nhà ở nội trú cho học sinh Trường THCS xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo. Dự kiến cuối tháng 12/2024, công trình rộng khoảng 80m2 với 4 phòng ở sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo nơi ăn, chốn ở ấm cúng, kiên cố cho nhiều học sinh nơi đây.

Có đến các xã, bản vùng cao mới thấu hiểu cuộc sống của người dân nơi miền biên viễn này. Mặc dù được Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đầu tư, giúp đỡ, hỗ trợ, nhưng nhìn chung cuộc sống bà con còn nghèo khó; giáo dục, y tế thiếu thốn; tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt vẫn xảy ra.

Thiên tai, dịch bệnh xảy ra hàng năm cũng là nguyên nhân cản bước lộ trình xoá đói giảm nghèo của địa phương. Quanh năm làm lụng tích cóp, nhưng chỉ một trận lũ ống, lũ quét xảy ra như tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên dịp tháng 7/2024, là bao nhiêu tài sản, của cải, thậm chí cả tính mạng con người trôi theo dòng nước. Thương người như thể thương thân, sau “thảm họa” lũ quét, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân… đã nhanh chóng vào cuộc giúp đỡ. Nhờ đó, cuộc sống người dân nơi đây đang hồi sinh và từng bước ổn định trở lại.

Đang trong những ngày của Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024. Tỉnh Điện Biên hiện có hàng nghìn hộ dân sống trong điều kiện túng bấn, đói khổ; nhiều học sinh vùng cao hàng ngày đến trường nhưng không thể chú tâm học tập do bụng quá đói và rét run người. Chia sẻ khó khăn với người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau… mỗi chúng ta hãy hành động theo phương châm: có ít hỗ trợ ít, có nhiều hỗ trợ nhiều, ai có gì giúp nấy… để kịp thời động viên, chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội vươn lên, dần ổn định cuộc sống.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top