Sứ mệnh người thầy thuốc

08:19 - Thứ Ba, 25/01/2022 Lượt xem: 9600 In bài viết

ĐBP - Nhận mệnh lệnh từ trái tim, hơn 100 cán bộ, y, bác sĩ ngành Y tế tỉnh nhà tạm gác việc riêng lên đường vào Nam chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. 4 đoàn công tác thay nhau trong gần 3 tháng “chia lửa” với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết tâm cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Họ đã thực hiện sứ mệnh của người thầy thuốc như Lời thề Hippocrates thiêng liêng...

Các đại biểu, đồng nghiệp, người thân cán bộ, y, bác sĩ tạm biệt những “chiến sĩ áo trắng” Nam tiến chống dịch.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương tiếp tục công việc thường nhật của mình, với các y, bác sĩ, cán bộ y tế từng vào hỗ trợ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, những ngày trực tiếp trên tuyến đầu chống dịch chắc chắn sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên. Trước thềm xuân mới Nhâm Dần, chúng tôi có dịp trò chuyện với Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng đoàn công tác số 3 vào hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch. Qua lời kể của bác sĩ Nghĩa, từ ngày 12/9 - 30/10, 23 “chiến sĩ áo trắng” trong đoàn đã “chia lửa” với Bệnh viện dã chiến số 6, huyện Bàu Bàng, cách TP. Thủ Dầu Một - trung tâm tỉnh Bình Dương khoảng 20km. Sau khi nhận lệnh, anh em chỉ có 2 ngày để chuẩn bị tư trang. Ai cũng hiểu đi vào tâm dịch sẽ có nhiều gian nan, vất vả nhưng trong trái tim mỗi người đều có sứ mệnh thiêng liêng. Vì miền Nam đang cần, ngành Y tế tỉnh nhà sẽ cố gắng làm hết tâm sức, cùng chung niềm tin chiến thắng đại dịch”.

Biết đây là nhiệm vụ nhiều khó khăn, vất vả, hiểm nguy lại xa hậu phương, các anh đều chủ động khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng, giữ gìn phẩm chất của người thầy thuốc, chung sức, đồng lòng, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Bác sĩ Nghĩa chia sẻ: “Bệnh viện dã chiến số 6 được đặt tại một khu công nghiệp chưa đi vào hoạt động. Khi đoàn Điện Biên vào tới nơi thì có 3 đoàn của các tỉnh: Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh đang phối hợp với lực lượng y tế địa phương đảm nhiệm. Thế nhưng sau khoảng 2 tuần thì tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh rút về, còn lại tỉnh Điện Biên và Ninh Thuận ở lại “chia lửa” với Bình Dương. Không chỉ vậy, Bệnh viện dã chiến số 6 đóng tại huyện Bàu Bàng nhưng có trách nhiệm thu dung và điều trị bệnh nhân F0 cho cả những huyện, thị xã khác trong tỉnh. Thế nên con số bệnh nhân luôn ở mức cao, áp lực công việc cũng cực kỳ lớn. Vào lúc đỉnh điểm của dịch, 23 cán bộ, y bác sĩ trong đoàn phải điều trị, chăm sóc cho khoảng hơn 1.300 bệnh nhân.

Điều dưỡng Vũ Quang Dũng, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh là 1 trong số 23 “chiến sĩ áo trắng” trong Đoàn công tác số 3 vào miền Nam trong những ngày tháng dịch bệnh căng thẳng nhất. Điều dưỡng Dũng chia sẻ: Anh em trong đoàn phải làm phần lớn các việc, từ điều trị, lấy mẫu test nhanh, mẫu test PCR, chăm sóc, lo cơm nước... cho bệnh nhân. Trong khi lượng bệnh nhân quá lớn, trang thiết bị thì lại thiếu thốn nhiều. Anh em phải cố gắng khắc phục bằng mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ.

Hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng cán bộ, y bác sĩ của Đoàn công tác số 3 đã nỗ lực khắc phục để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bác sĩ Nghĩa chia sẻ: Sau gần 2 tháng ở Bình Dương, đoàn đã điều trị cho 2.543 bệnh nhân, trong đó điều trị khỏi và ra viện 2.030 bệnh nhân. Không chỉ vậy, đoàn còn tham gia thử nghiệm điều trị thuốc Molnupiravir cho 285 bệnh nhân, tín hiệu rất khả quan. Kết quả đó đã góp phần kiềm chế sự lây lan, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra tại tỉnh Bình Dương. Không chỉ vậy, với cá nhân tôi, đây là chuyến đi có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời làm nghề. Dù có nhiều khó khăn vất vả, nhưng tôi rất vui mừng vì đã làm tròn nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên giao phó trước lúc lên đường. Quan trọng hơn nữa, từ chuyến đi này tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và có thể sẵn sàng áp dụng tại Điện Biên trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng. Để phòng chống dịch bệnh thành công, việc thực hiện nghiêm quy định 5K chính là chìa khóa quan trọng. Tiếp nữa là khi có dịch cần áp dụng linh hoạt các biện pháp, không nên cứng nhắc mà cần phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cuối cùng là điều hết sức quan trọng, công tác phòng chống dịch có thành công hay không cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và cả của người dân. Thực tế cho thấy, nhiều anh em trong đoàn số 3 cũng như các đoàn công tác khác đã áp dụng những kinh nghiệm học hỏi được thành những hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống dịch tại tỉnh nhà.  

Cùng với các lực lượng y tế chi viện khác trong cả nước, trong 3 tháng (8 - 11/2021) 4 đoàn công tác, hơn 100 cán bộ, y bác sĩ ngành Y tế tỉnh nhà đã điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân. Câu chuyện về những y, bác sĩ Điện Biên cùng chung sức, đồng lòng hướng về tâm dịch miền Nam chắc chắn sẽ còn được lưu mãi như một minh chứng về tấm lòng y đức sáng ngời của người thầy thuốc.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top