Việt Nam cần tiếp tục tăng tốc bao phủ vaccine

14:30 - Thứ Hai, 07/02/2022 Lượt xem: 3875 In bài viết

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Việt Nam cần tiếp tục tăng tốc bao phủ vaccine tiêm mũi 3 cho người dân và tiêm cho trẻ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

(Ảnh: Thành Đạt)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đại dịch được dự đoán phải tới năm 2023 mới có thể khống chế hoan toàn. Vì thế, năm 2022, ngành y tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong công tác phòng, chống Covid-19. Vì thế, về chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2022, Việt Nam phải tăng tốc bao phủ vaccine, nhất là tiêm vaccine mũi 3 và triển khai tiêm chủng cho trẻ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan đối với việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

“Chúng tôi trao đổi chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới. Hiện có 37 nước, vùng lãnh thổ tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Chúng tôi cập nhật và theo dõi sát tình hình triển khai của các nước xem vaccine nào phù hợp tiêm cho trẻ và phản ứng nào có thể gây ra cho trẻ”, Bộ trưởng nói.

Ngày 5/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Để tiếp tục ứng phó với đại dịch, ngành y tế vẫn tiếp tục triển khai biện pháp y tế công cộng như sát khuẩn, đeo khẩu trang. Ngành y tế tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là năng lực ứng phó với ca diễn biến nhanh, ca tăng nặng để bảo đảm đáp ứng hệ thống y tế cho mọi bối cảnh.

Về vấn đề tăng mức độ phụ cấp cho nhân viên y tế trong chống dịch, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã làm việc với các cơ quan liên quan, bộ, ngành trình Chính phủ chính sách tăng mức độ phụ cấp với cán bộ y tế với vùng dịch trong phòng, chống dịch để khuyến khích đãi ngộ thỏa đáng. Đồng thời, cũng đã trình các chính sách đãi ngộ lâu dài.

Trên tinh thần đó, Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành báo cáo cấp thẩm quyền có chính sách hỗ trợ cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở và nâng mức độ phụ cấp cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở lên 100%.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, năm 2022, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tài chính y tế trong cơ cấu về tài chính, tăng tiền cho y tế cơ sở, dự phòng, để ngoài chế độ lương, chế độ phụ cấp, cán bộ y tế còn có thu nhập thêm trong việc làm.

Ngành y tế tiếp tục tập trung xây dựng luật pháp, trình dự thảo luật với Quốc hội các luật như: Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, Luật Dược sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Trang thiết bị y tế. Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn và tăng cường quản lý của ngành.

Bộ Y tế tiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường trong vấn đề cấp phép, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư và thuốc men phục vụ người bệnh bảo đảm công khai, minh bạch đúng quy định pháp luật, nghiêm cấm lợi ích nhóm, tiêu cực trong mua sắm đấu thầu. Tăng cường giáo dục về mặt chính trị, tư tưởng, nhận thức và xây dựng cơ chế bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch và hiệu quả với hoạt động của ngành. 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.341.971 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.729 ca nhiễm).

Tính riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.334.867 ca, trong đó có 2.109.898 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron gồm: TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).

Dự báo, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là do chủng mới Omicron có khả năng lây lan nhanh và có thể xuất hiện thêm các biến thể mới. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương không chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác, bám sát tình hình, dự báo tốt, có các phương án, kịch bản bảo đảm khoa học, phù hợp, hợp lý, hiệu quả và chuẩn bị sẵn sàng, tích cực ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top