Không chủ quan với bệnh tiểu đường thai kỳ

08:36 - Thứ Hai, 14/02/2022 Lượt xem: 4561 In bài viết

ĐBP - Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang thai (thường xuất hiện từ tuần 24 - 28). Tiểu đường thai kỳ không đồng nghĩa với việc mắc bệnh từ lúc trước khi mang thai hoặc sau khi sinh con. Bệnh này thường không có triệu chứng rõ rệt nên khó phát hiện và thường sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh. Tiểu đường thai kỳ không hiếm gặp ở các bà mẹ đang mang thai, tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé trước và sau khi sinh. Vì vậy, trong quá trình mang thai, chị em phụ nữ nên tìm hiểu kiến thức liên quan đến tiểu đường thai kỳ, để có một quá trình mang thai an toàn, khỏe mạnh.

Thai phụ đo chỉ số đường huyết.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Loan - Trưởng khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Khi chúng ta ăn, glucose (đường) đi vào máu. Nhờ insulin (một chất được tiết ra từ tuyến tụy), glucose vào trong tế bào và được chuyển thành năng lượng. Khi có thai, một số hormone thay đổi làm cho các tế bào kém đáp ứng với insulin. Ở một số thai phụ, khi tuyến tụy tiết không đủ insulin hay các tế bào đáp ứng quá kém với insulin, lượng đường trong máu tăng lên và gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ là thừa cân, béo phì; tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng; sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non; hội chứng buồng trứng đa nang; chế độ ăn uống không lành mạnh trước khi có thai…

Bệnh tiểu đường thai kỳ có nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách. Những biến chứng có thể xảy ra với mẹ như: Tiền sản giật, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh, khó sinh, sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối gây nguy hiểm đến mẹ và bé. Đối với thai nhi sẽ có nguy cơ di tật hoặc tử vong, chậm phát triển, thai to, giảm sự trưởng thành của phổi, có nguy cơ dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch và dễ bị vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh. Vì vậy, khi thai phụ bắt đầu mang thai từ tuần 20 trở lên, sẽ được bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để có thể phát hiện sớm có mắc tiểu đường thai kỳ hay không, từ đó có những điều chỉnh về chế độ ăn uống tập luyện phù hợp.

Nếu thai phụ được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, cần phải kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu của mình và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và thai nhi bằng cách tuân thủ chế độ ăn có lợi cho người bị tiểu đường, tập thể dục nhiều hơn, thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu, uống thuốc khi được bác sĩ chỉ định… Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen và lối sống lành mạnh trước và trong khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể. Trong ăn uống nên chọn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, giàu chất xơ, ít chất béo, calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt; thường xuyên vận động; giữ cân nặng hợp lý khi mang thai, việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top