Hết mình bảo vệ sức khỏe nhân dân là ngày 27/2 ý nghĩa nhất

08:09 - Thứ Năm, 24/02/2022 Lượt xem: 5654 In bài viết

ĐBP - Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa bàn tỉnh ta đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Lại thêm một lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) không hoa, không quà, không tọa đàm hay giao lưu mà các cán bộ y tế dồn sức dập dịch, làm việc không kể ngày đêm để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thậm chí, họ không còn thời gian nghĩ tới ngày của chính mình.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân có nguy cơ cao tại Trạm Y tế xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng.

“Không nhắc, chị cũng không nhớ đến ngày 27/2”

Bác sĩ Mai Thị Mạy, Trưởng trạm Y tế xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng bất ngờ hỏi lại khi tôi nhắc đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Cận kề ngày truyền thống của ngành mình, chị cùng các đồng nghiệp tại Trạm vẫn bận rộn làm việc thâu trưa, tối để lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao trên địa bàn và hướng dẫn các F0 điều trị tại nhà hoặc chuyển tuyến...

Sáng ngày 21/2, chỉ vài giờ buổi sáng, qua test nhanh tại Trạm đã phát hiện 6 trường hợp nghi mắc Covid-19, số người đến lấy mẫu cứ thế tăng lên khiến các các bộ y tế không có thời gian nghỉ ngơi. Được biết từ ngày 17 - 21/2, xã Ẳng Nưa đã ghi nhận 63 ca bệnh Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1.000 người dân có nguy cơ cao tại địa bàn. Đặc biệt, ngày 20/2 phát hiện 27 ca bệnh, lấy mẫu cho khoảng 400 người dân trong xã. Tranh thủ dành vài phút cho chúng tôi, chị Mạy chia sẻ: “Trạm chỉ có 5 cán bộ. Mấy hôm nay, tình hình căng thẳng, được tăng cường thêm một số cán bộ từ tuyến huyện xuống tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Anh chị em đều cố gắng hết mình, làm nhanh để sớm khoanh vùng dập dịch nên không ai để ý thời gian, bữa trưa chuyển sang chiều, tối làm đến lúc nào xong thì thôi. Không chỉ lấy mẫu mà chúng tôi còn đang quản lý, hướng dẫn điều trị tại nhà đối với 43 F0. Vì thế các cán bộ tại Trạm làm việc hết công suất. Với tình hình này, đến ngày 27/2, dịch bệnh tại địa bàn có thể vẫn còn phức tạp. Ngày nghỉ còn không có nên ngày Truyền thống ngành chúng tôi chỉ tự động viên nhau cố gắng, làm tốt công việc để cuộc sống nhân dân sớm bình yên trở lại”.

Lời chúc nhỏ cho nhau

3 năm trở lại đây, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đều trùng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại địa bàn. “Anh em nhắc nhẹ với nhau khi đến ngày truyền thống, có lời chúc nhỏ cho nhau lúc buổi sáng giao ban, rồi vào guồng quay công việc, không còn thời gian nghĩ về ngày này nữa” - bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh, tổ điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Dã chiến Điện Biên Phủ chia sẻ. Năm nay, bác sĩ Hạnh nhận nhiệm vụ trong Bệnh viện Dã chiến, tiếp nhận điều trị các ca bệnh Covid-19 diễn tiến nặng, thì việc dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để kỷ niệm nghề mà mình đã chọn lại càng xa vời. 

Bác sĩ Hạnh đã cùng kíp cán bộ y tế vào nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến Điện Biên Phủ từ ngày 12/1 đến nay. Chia sẻ tình hình, bác sĩ Hạnh cho biết: “Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 này có nhiều thay đổi, tỷ lệ mắc cao. Bệnh viện Dã chiến là tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 cuối cùng của tỉnh, vì vậy tập trung tất cả các bệnh nhân nặng về đây. Họ chủ yếu thuộc nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền, chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19, ở các huyện khác chuyển về. Khu hồi sức cấp cứu rất đông, gần như quá tải. Hiện có 1 bệnh nhân phải đặt nội khí quản, gây mê, thở máy; rất nhiều bệnh nhân đang thở máy oxi dòng cao. Lực lượng y tế tương đối mỏng, anh em làm việc cả ngày, từ 20 giờ mới chia ca trực. Ai cũng vất vả, đặc biệt là các điều dưỡng phải chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ. Vì với bệnh nhân nặng thì từ việc ăn, uống, vệ sinh... đều cần sự trợ giúp của nhân viên y tế”.

Được biết, các cán bộ y tế đang nhận nhiệm vụ trong Bệnh viện Dã chiến đều là những người đã tích cực tham gia chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu tỉnh ta ghi nhận ca bệnh, rồi tham gia tăng cường cho các địa bàn bùng phát dịch, tăng cường hỗ trợ miền Nam chống dịch. “Năm 2021 đến nay, hầu hết các anh em trong này đều xa gia đình khoảng 7 - 8 tháng. Ai cũng nhớ nhà, mong muốn có nhiều thời gian ở bên người thân, song vì nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, mọi người cùng gạt nỗi niềm riêng để nỗ lực hết mình. Bởi vậy kỉ niệm đẹp nhất trong đây đối với tôi cùng nhiều cán bộ khác là dịp tết Nguyên đán vừa rồi hoàn thành điều trị cho nhiều bệnh nhân cao tuổi được ra viện, kịp về ăn tết với gia đình. Các bác về vẫn gửi lời chúc tết và sức khỏe đến những cán bộ y tế và các bệnh nhân khác” - bác sĩ Hạnh tâm sự.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ

Bác sĩ Lò Hoài Thu hiện công tác tại Phòng khám đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Dù không đảm nhiệm vị trí trong điểm “nóng” bùng phát, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng đã quen với sự cấp tập, gấp rút dập dịch thời gian qua, bác sĩ Thu vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ tăng cường cơ sở chống dịch hay tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn. Bác sĩ Thu chia sẻ: “Thời gian qua, ngoài việc làm chuyên môn, tôi nhiều lần tham gia tăng cường đi chống dịch. Dù là phụ nữ, nhưng khi nhận chỉ đạo, gọi lên đường lấy mẫu, truy vết, tăng cường cơ sở bất kể thời gian nào, dù giữa trưa hay đêm, tôi cũng sẵn sàng lên đường, cố gắng vượt qua khó khăn để làm sao sớm dập dịch, hết sức bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về”.

Trong năm qua, bác sĩ Thu đã nhiều lần được phân công đến những địa bàn xa, những bản mà giao thông còn cách trở, chưa có sóng điện thoại để tham gia dập dịch. Có những chuyến đi dài hơn 1 tháng. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngày 27/2 cũng như bất cứ ngày nào, chị vẫn sẵn sàng lên đường với tâm niệm mình là người bác sĩ thì luôn đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết.

Chia sẻ của các bác sĩ trên cũng là tâm sự chung của nhiều cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh ta trong những ngày cả nước hướng đến tri ân người thầy thuốc. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, họ quên đi ngày của chính mình, tập trung dồn sức chống dịch, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân. Đấy thực sự là ngày 27/2 ý nghĩa nhất, tô đẹp thêm hình ảnh người thầy thuốc.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top