ĐBP - Ngành nghề nào cũng có vất vả riêng. Song với đặc thù ngành Y tế thì khó khăn vất vả hơn nhiều, nhất là những năm gần đây dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn trong tâm thế gồng mình chống dịch. Dẫu vậy, bằng tinh thần trách nhiệm, tình yêu với nghề, họ vẫn miệt mài bám trụ, không kể đêm ngày cống hiến cho công việc mình đã chọn...
Phải sau nhiều cuộc hẹn chúng tôi mới gặp được bác sĩ Nguyễn Thành Chung - người có hơn 15 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh bởi công việc của bác sĩ Chung rất bận. Chừng ấy năm công tác tại Bệnh viện, song ít khi anh đón một cái tết trọn vẹn cùng gia đình. Bác sĩ Chung chia sẻ, trước khi chuyển sang công tác tại Khoa Thận nhân tạo, anh có hơn 10 năm làm việc tại Khoa Cấp cứu. Dù ở khoa, phòng nào thì cũng có đặc thù và sự vất vả riêng. Nhưng với Khoa Cấp cứu, hàng ngày phải tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nặng cần chăm sóc khẩn cấp, những ngày tết còn vất vả gấp bội. Có những năm, giao thừa cũng là lúc bệnh viện tiếp nhận những ca cấp cứu nghiêm trọng. Khi cấp cứu được bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, cả kíp trực ai nấy cũng mừng. Bởi các anh tâm niệm, tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân là món quà lớn và đáng phải trân quý nhất. Theo bác sĩ Chung, dù nhiều năm không đón giao thừa cùng gia đình song không khí tết tại bệnh viện cũng rất ấm áp. Sự quan tâm, niềm nở, động viên về tinh thần của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như lãnh đạo đơn vị cũng là món quà tinh thần lớn giúp kíp trực có cảm giác như được đón tết cùng gia đình.
Trò chuyện, chia sẻ với bác sĩ Nguyễn Thành Chung, chúng tôi được biết mấy năm qua, gần như năm nào anh cũng tham gia trực tết cùng cán bộ y, bác sĩ đơn vị. Điều đặc biệt hơn, vợ anh cũng là cán bộ y tế; vì thế mà có những thời điểm do yêu cầu công việc cả 2 cùng phải trực. “Là đồng nghiệp mới thấu hiểu, đồng cảm, thương nhau nhiều hơn. Dẫu khó khăn song lúc nào chúng tôi cũng động viên nhau để tiếp thêm động lực quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao” - bác sĩ Chung chia sẻ.
Công tác trong ngành Y tế, thì dù làm ở đơn vị nào cũng đều vất vả. Với bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, sinh ra và lớn lên ở TP. Hà Nội, hiện công tác tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé) cũng vậy. Đến Điện Biên công tác từ năm 2017 nhưng thời gian sum họp cùng gia đình của anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dẫu vậy, anh luôn hạnh phúc với nghề đã chọn. Anh Hiếu chia sẻ: “Quả thật, nhớ lại lần đầu đặt chân đến Mường Nhé, có thời điểm ý chí của tôi bị lung lay bởi cuộc sống ở đây khác xa so với miền xuôi. Ở rồi cũng quen, quen rồi lại gắn bó. Tôi thầm nghĩ, Mường Nhé còn khó khăn, cuộc sống bà con nơi đây còn vất vả, vì thế mỗi khi thấy họ ốm đau, bệnh tật phải đến điều trị tại đây, mỗi cán bộ y tế chúng tôi thương lắm, chỉ mong làm sao sớm điều trị khỏi cho họ. Mỗi lần như thế, tôi và đồng nghiệp lại cảm thấy tự hào khi bản thân làm được điều có ích cho xã hội. Tôi luôn tâm niệm và tự nhắc bản thân, trong khó khăn thì càng phải nỗ lực, có như vậy mới được nhân dân, người bệnh tin yêu”.
Ngoài sự hi sinh thầm lặng của những cán bộ y tế, bác sĩ tuyến trên, nhiều năm qua, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản cũng là một trong những lực lượng quan trọng, không thể thiếu. Họ đã và đang âm thầm góp sức mình vào việc phổ biến kiến thức, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai và sau sinh để những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, an toàn. Là người gắn bó hơn 10 năm với công việc này, chị Lò Thị Nhung, bản Hin 1, xã Na Sang (huyện Mường Chà) đã giúp đỡ nhiều gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động tiêm chủng, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình... Chị Nhung cho biết, dù vất vả, thu nhập không cao và công việc luôn bị động nhưng khi có ai gọi, chị luôn sẵn sàng có mặt hỗ trợ, giúp đỡ. “Mỗi lần đến tuyên truyền, thăm khám cho thai phụ, mình cũng rất lo lắng nhưng niềm vui, hạnh phúc lại tràn ngập khi đỡ đẻ thành công cho một ai đó. Mỗi cháu bé chào đời, mẹ tròn con vuông là động lực để mình quên đi những mệt nhọc” - chị Nhung bộc bạch.
Những hi sinh thầm lặng như chị Nhung, bác sĩ Hiếu, hay vợ chồng bác sĩ Chung là rất đáng trân trọng. Ngoài họ, còn nhiều, rất nhiều cán bộ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế đã và đang cống hiến, nỗ lực vì sức khỏe của nhân dân, tạo dựng được niềm tin, sự kính trọng từ nhân dân. Theo bác sĩ Chuyên khoa II Vừ A Sử, Phó Giám đốc Sở Y tế, toàn ngành hiện có hơn 3.800 người, trong đó phần lớn cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế đang trực tiếp làm việc ở tuyến cơ sở. Nhiều năm qua, dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh, điều kiện khó khăn ra sao, bằng trách nhiệm và tình yêu thiêng liêng với nghề, mỗi cán bộ ngành Y tế tỉnh luôn mang trong mình sự huyết, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt vài năm gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước cũng như địa bàn tỉnh, với trách nhiệm và lương tâm người thầy thuốc, đội ngũ cán bộ y tế trong tỉnh đã không quản gian nan cùng cả hệ thống chính trị gồng mình đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế thậm chí phải hi sinh hạnh phúc cá nhân, tạm gác việc gia đình, dồn tâm, dồn lực, ngày đêm xông pha lên tuyến đầu chống dịch.
Không kể hết được công lao của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế, song có thể khẳng định, những năm qua, bằng tất cả tấm lòng và sự nhiệt huyết với nghề, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn tròn vai trách nhiệm, thực hiện tốt 12 điều y đức, vì sự hài lòng của người bệnh. Dù làm ở đâu, vị trí nào thì họ vẫn ngày đêm cống hiến, đảm bảo tính mạng, sức khỏe người bệnh và Nhân dân. Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin chúc các y, bác sĩ và những người đã, đang công tác trong ngành Y tế luôn có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đóng góp, cống hiến và hoàn thành tốt sứ mệnh của những người “gác” sức khỏe cho nhân dân.