ĐBP - Trước tình hình bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh từng ngày, hàng nghìn F0 trên địa bàn tỉnh đang được cách ly, điều trị tại nhà. Điều này giúp giảm tải áp lực cho tuyến y tế cơ sở, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề mới cho mỗi địa phương khi khối lượng chất thải y tế lây nhiễm cần xử lý tại các khu dân cư gia tăng.
Phường Mường Thanh là địa bàn có tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhất TP. Điện Biên Phủ, thuộc cấp độ 3 nguy cơ cao. Từ ngày 17 - 25/2, phường quản lý 259 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường, chia sẻ: “Khi cách ly điều trị tại nhà, người dân đều cam kết thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch, trong đó có phân loại xử lý rác thải. Tỉnh, thành phố đã có hướng dẫn cụ thể, phường cũng đã phổ biến trên loa, thông qua tổ giám sát cộng đồng, cán bộ tuyên truyền, nhắc nhở tới từng F0 và gia đình về cách thức xử lý rác thải. Tuy nhiên thực tế, nhiều hộ dân vẫn còn loay hoay”.
Gia đình anh Vũ Linh, tổ dân phố 3 có 4 F0 và 1 F1 cách ly, điều trị tại nhà. Vì thế lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình anh cũng không ít. Anh Linh cho biết: “Qua tìm hiểu và được hướng dẫn, gia đình tôi bỏ riêng rác thải sinh hoạt của F0, đặc biệt là khẩu trang, khăn giấy qua sử dụng vào 2 lớp túi bóng rồi để ra ngoài cổng mỗi buổi chiều để công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom”. Hầu hết các hộ trên địa bàn phường Mường Thanh đang xử lý rác theo cách làm này. Tuy nhiên cũng có hộ vì lo ngại lây nhiễm bệnh ra bên ngoài nên tích rác nhiều ngày trong nhà, có hộ đưa rác ra ngoài hàng ngày nhưng chưa phân loại đảm bảo, túi đựng rác chưa đúng quy định, gây lo ngại lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Trước tình hình trên, ngày 26/2, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường Mường Thanh tổ chức cuộc họp nhanh với đại diện tổ giám sát cộng đồng của 15/15 tổ dân phố thống nhất việc xử lý rác thải của F0. Theo đó, ông Nguyễn Văn Quý cho biết: “Phường đã có giải pháp cho vấn đề trên, triển khai phối hợp ngay với Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh bố trí 5 điểm đặt thùng rác chuyên chứa rác thải nguy hại tại 5 vị trí hợp lý trên địa bàn, cách các nhà dân. Người thân của bệnh nhân thực hiện đảm bảo phòng dịch, chịu trách nhiệm mang rác ra địa điểm quy định trên. Tổ giám sát cộng đồng có trách nhiệm thông báo đến các hộ gia đình có người cách ly, điều trị để nắm rõ địa điểm, thời gian thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải đi xử lý. Nhân viên Công ty sẽ đến thu gom cố định 7 - 9 giờ vào các ngày thứ 2, 4, 6, chủ nhật hàng tuần. Đối với túi đựng rác thải, các tổ dân phố hỗ trợ bước đầu cho người dân địa bàn mình, sau đó gia đình chủ động mua”.
Đó là với địa bàn thành phố, khu tập trung đông dân cư, còn đối với các xã vùng ngoài, vùng cao, cách xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà lại có sự khác biệt, phù hợp với điều kiện, tình hình. Xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng hiện có 18 F0 điều trị tại nhà. Ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa bàn nông thôn, đất rộng và thoáng nên rác thải của bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn được các gia đình chủ động phân loại đốt ngay hàng ngày, không để lây lan ra vật nuôi, môi trường. Việc này được tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên giám sát, nhắc nhở”. Ông Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: “Mường Ảng có gần 100 F0 cách ly, điều trị tại nhà. Đối với các trường hợp này, hầu hết đang thực hiện đốt hoặc chôn lấp rác thải sinh hoạt ngay tại nhà mình. Thực tế rác thải của họ không nhiều bởi ở các bản người dân tự nấu ăn, tự phục vụ là chủ yếu. Còn một số cơ sở giáo dục trên địa bàn có học sinh cách ly, điều trị tại trường thì thực hiện thu gom, đốt rác thải tại hố xây của nhà trường đảm bảo đúng quy định”.
Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 F0 cách ly, điều trị tại nhà. Tất cả các loại chất thải phát sinh của bệnh nhân Covid-19 được coi là rác thải lây nhiễm. Hiện tại, đối với địa bàn có đơn vị thu gom, xử lý rác thải riêng như trung tâm TP. Điện Biên Phủ, rác thải của F0 được thu gom vào 2 lớp túi nilon màu vàng, buộc kín, tập kết theo khung giờ cố định để Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Những địa bàn không có điều kiện thu gom, xử lý rác thải riêng thì các địa phương hướng dẫn hộ gia đình có người cách ly, điều trị tại nhà chủ động thu gom, phân loại và xử lý bằng phương pháp đốt thủ công hoặc chôn lấp theo quy định.
Vấn đề kiểm soát quản lý chất thải của bệnh nhân Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà cần được quan tâm đặc biệt. Mỗi bệnh nhân, hộ dân có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sẽ bảo đảm không phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, bảo đảm an toàn cho người cách ly, nhân viên y tế, người tham gia xử lý chất thải.