Bộ Y tế bổ sung tiêu chí lâm sàng và các biện pháp phòng lây nhiễm đối với F0 điều trị tại nhà

14:34 - Thứ Hai, 14/03/2022 Lượt xem: 3766 In bài viết

Ngày 14-3, Bộ Y tế có Quyết định số 604/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19. Quyết định này thay thế Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31-1-2022 ban hành hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà và Quyết định số 528/QĐ-BYT ngày 3-3-2022 ban hành hướng dẫn quản lý tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19. 

Theo hướng dẫn mới này, các biện pháp theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19 hầu như không thay đổi so với các hướng dẫn được ban hành trước đó. Tuy nhiên, Bộ Y tế bổ sung tiêu chí lâm sàng của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, đồng thời yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.

Ngoài tiêu chí không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, không mắc bệnh nền, theo Quyết định 604, tiêu chí lâm sàng của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được bổ sung, đó là người bệnh đã được cơ sở khám, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi Covid-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc. 

Bên cạnh đó, hướng dẫn mới này còn bổ sung mục “Khai báo y tế” với F0 điều trị tại nhà. Cụ thể, F0 hoặc người chăm sóc thông báo với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý F0 tại nhà... theo hướng dẫn của địa phương về: Thông tin cá nhân, thời điểm được xác định mắc Covid-19, đối tượng được quản lý tại nhà, thời điểm hết cách ly, điều trị tại nhà.

Trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà thu thập thông tin và lập danh sách người mắc Covid-19 quản lý tại nhà theo mẫu quy định. 

Các vật dụng cần thiết với F0 điều trị tại nhà: Nhiệt kế; máy đo SpO2 cá nhân (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; vật dụng cá nhân cần thiết; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

Cùng với đó, phương tiện liên lạc cần thiết là: Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sĩ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...).

Cũng tại hướng dẫn này có đưa ra các thuốc điều trị tại nhà gia đình cần chuẩn bị khi có F0. Cụ thể:

- Thuốc hạ sốt: Paracetamol cho người lớn: Viên 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày. Paracetamol cho trẻ em (tùy theo cân nặng và độ tuổi): Gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, 325mg, 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày.

- Dung dịch cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.

- Thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng): Thuốc từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin..., số lượng đủ dùng trong khoảng 5-7 ngày. Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo, thận trong khi sử dụng thuốc.

- Dung dịch nhỏ mũi: Natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày.

- Thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh (nếu cần, đủ sử dụng trong 1- 2 tuần).

Hướng dẫn mới đặc biệt thay đổi về điều kiện cách ly, đó là tạo không gian cách ly riêng. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ. 

Ngoài ra, tại hướng dẫn mới này, Bộ Y tế cũng bổ sung yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm. Theo đó, F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:

- F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.

- Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.

- Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế để các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.

- Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hằng ngày và khi dây bẩn.

- Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top