Nhân rộng vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã

06:02 - Thứ Sáu, 13/05/2022 Lượt xem: 6201 In bài viết

ĐBP - Vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Điện Biên luôn được cán bộ y tế chăm sóc thường xuyên, là nguồn dược liệu quan trọng phục vụ điều trị bệnh. Việc khám, chữa bệnh bằng cây thuốc nam đã giúp tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phát huy thế mạnh trong việc điều trị y học cổ truyền tại cơ sở.

Các y sĩ Trạm Y tế xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) trồng mới và chăm sóc vườn thuốc nam.

Đến Trạm Y tế xã Thanh Xương, vườn thuốc rộng 50m2 được cán bộ y tế chăm sóc tốt là nguồn dược liệu hỗ trợ điều trị đông tây y kết hợp cho người bệnh. Dẫn chúng tôi tham quan vườn thuốc nam, chỉ vào từng cây thuốc, y sĩ Mai Thị Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Xương cho biết: Cây ngải cứu, chanh, sả, tía tô, hương nhu, xạ đen, kim ngân, rẻ quạt… chính là những thuốc nam có hiệu quả tốt trong việc điều trị chứng cảm, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, đau nhức cơ xương… Nhờ những cây thuốc này mà người dân đến với trạm để khám, điều trị bệnh ngày càng nhiều, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, không dùng được thuốc tây y do tác dụng phụ, hay trẻ nhỏ bị các triệu chứng nhẹ của bệnh cảm cúm, ho cũng tìm đến các loại thuốc nam.

Chị Nguyễn Thị Hương, xã Thanh Xương cho biết: Tôi hay sử dụng các loại cây thuốc nam có sẵn trong vườn. Loại nào không có, tôi ra vườn thuốc nam của trạm y tế xin về trồng. Dùng thuốc nam tuy tác dụng chậm hơn thuốc tây y nhưng không có tác dụng phụ. Tôi có cháu nhỏ, rất hay mắc những bệnh về hô hấp, sốt, viêm da, bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y theo đơn kê của bác sĩ, tôi xin lá hẹ, húng chanh hấp mật ong cho cháu uống để giảm cơn ho hay lấy lá kim ngân về đun nước tắm cho cháu khi bị viêm da.

Với diện tích gần 90m2, vườn thuốc nam của Trạm Y tế xã Thanh An có hơn 40 loại cây gồm 7 nhóm thuốc: An thai, thuốc bổ, giải cảm, chữa tiêu chảy, kháng sinh tiêu độc, chữa ho, xương khớp được trồng theo từng ô, nhóm riêng biệt, ghi bảng tên nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc, quan sát và dễ tìm kiếm. Để xây dựng và phát triển vườn cây thuốc phong phú, Trạm Y tế đã giao nhiệm vụ cho từng nhân viên y tế của Trạm chịu trách nhiệm chăm sóc, bổ sung những cây thuốc nam còn thiếu. Việc chăm sóc được tiến hành thường xuyên đảm bảo cây thuốc phát triển tốt. Ngoài ra, các cán bộ trong Trạm cũng được trang bị những kiến thức về các bài thuốc nam đơn giản để hướng dẫn người dân thực hiện. Bên cạnh đó, Trạm tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân dùng một khoảnh đất nhỏ trong vườn nhà để trồng một số loại cây thuốc nam, cũng như cách sử dụng của từng loại cây; tuyên truyền lợi ích của khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền lồng ghép vào các cuộc truyền thông sức khỏe sinh sản tới từng thôn, bản nên nhiều người dân đã có ý thức tốt về hiệu quả của việc khám chữa bệnh bằng đông y và sử dụng thuốc nam trong chữa bệnh.

Y sĩ Quàng Thị Kim, Phó trưởng Trạm Y tế xã Thanh An cho biết: Nhu cầu điều trị bằng cây thuốc nam của người dân ngày càng cao, vì vậy Trạm luôn chú trọng chăm sóc vườn cây, không những thế vườn thuốc còn được trồng thêm nhiều cây thuốc mới do nhân viên của trạm đi nhân giống của các trạm khác. Hầu hết cây thuốc nam đều lành tính, ít tác dụng phụ, tiện lợi và ít tốn kém nên được nhiều bệnh nhân sử dụng. Hiện tại, trạm y tế vẫn thường xuyên kết hợp giữa đông, tây y trong việc chữa một số bệnh thông thường cho người dân.

Bác sĩ Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay, 21/21 trạm y tế xã trên địa bàn huyện đều có vườn thuốc nam đạt chuẩn, có diện tích từ 50m2 trở lên với hơn 40 loại cây. Nhiều trạm đã xây dựng được vườn thuốc nam khá đầy đủ, quy mô. Các vườn thuốc nam đều đa dạng nhóm cây thuốc chữa các bệnh thông thường như cảm, ho, đau dạ dày, thấp khớp… và được ứng dụng thường xuyên vào điều trị bệnh cho nhân dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; ưu tiên phát triển vườn thuốc nam; củng cố, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế; tạo điều kiện để các trạm kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền, vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top