Bộ Y tế lý giải vì sao bãi bỏ công văn không thanh toán BHYT với máy đặt, máy mượn

06:11 - Thứ Ba, 17/05/2022 Lượt xem: 5822 In bài viết

Ngày 9/5, Bộ Y tế có Công văn 2348/BYT-KH-TC do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc bãi bỏ Công văn 2009 ban hành ngày 12/4/2018 của Bộ Y tế trong thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư hóa chất đặt.

Nếu không được thanh toán BHYT với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy đặt, máy mượn, người bệnh sẽ rất khó khăn. Ảnh minh họa

Tiếp đó, ngày 12/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có công văn từ chối thanh toán BHYT với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Cả 2 công văn trên đã khiến nhiều bệnh viện và người bệnh phản ứng. Một số bệnh viện lớn như: Việt Đức, Bạch Mai, K, Chợ Rẫy… đã ngay lập tức có công văn gửi lãnh đạo Bộ Y tế.Theo một số ý kiến, nếu thực hiện 2 công văn này sẽ dẫn đến bệnh nhân có BHYT cũng phải bỏ tiền túi ra trả các xét nghiệm và các bệnh viện sẽ phải dừng dịch vụ xét nghiệm cho người bệnh có BHYT. 

Anh Phạm Tuấn Long (Hà Nội) cho biết: “Tôi bị ung thư thường xuyên phải đi khám và điều trị. Nếu xét nghiệm mà không được BHYT chi trả thì rất khó khăn, thậm chí không còn tiền mà chữa bệnh”. Tại Bệnh viện Việt Đức, có tới 90% người bệnh BHYT điều trị nội trú và 95% số máy xét nghiệm là mượn của công ty trúng thầu hóa chất. Vì thế, việc dừng thanh toán BHYT dịch vụ xét nghiệm sẽ khiến bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra để trả, cho dù họ có BHYT. Điều này sẽ khiến nhiều người bệnh không có tiền chi trả.

Về phía bệnh viện cũng không có nơi nào trả thay số tiền này cho bệnh nhân vì đó là khoản kinh phí rất lớn. Chỉ tính riêng Bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm quyết toán BHYT chiếm tới 42% tổng số tiền xét nghiệm. Hay Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh có BHYT chiếm 13% lượt khám và 86% số người điều trị. Riêng Bệnh viện K, người có thẻ BHYT chiếm 30% lượt khám và 96% số người điều trị.

Nhiều bệnh viện cũng nêu cái “khó” nếu bỏ đi số máy mượn thì họ sẽ phải đầu tư máy mới với số tiền rất lớn, có máy lên tới vài chục tỷ đồng. Chưa kể, có bệnh viện không đủ tiền mua máy, sẽ phải thuê đơn vị tư nhân xét nghiệm cho người bệnh. Vì vậy, giá xét nghiệm sẽ tăng, chênh lệch với giá xét nghiệm Bộ Y tế quy định và người bệnh phải gánh chi phí chênh lệch này.  

Chẳng hạn tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 2 triệu lượt người khám và điều trị ngoại trú và hơn 165 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú mỗi năm. Số lượng xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh, hóa mô miễn dịch và sinh học phân tử là rất lớn. Tại Bệnh viện K, mỗi năm có gần 500 nghìn lượt người tới khám và 50 nghìn người điều trị. Nếu người bệnh phải chi trả chi phí xét nghiệm thì quả là “khổng lồ”.

Trước phản ứng của nhiều bệnh viện, ngày 15/5, Bộ Y tế thông tin đến cơ quan báo chí khẳng định: Việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807/BYT-BH ngày 9/11/2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KHTC. Bộ Y tế đang làm việc với BHXH Việt Nam để thống nhất hướng dẫn các nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền hai bên sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định.

Giải thích thêm, Bộ Y tế cho biết, việc bãi bỏ công văn 2009 chỉ là thủ tục hành chính, không ảnh hưởng tới việc thanh toán BHYT. Việc thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu đặt sẽ được trao đổi để thực hiện bình thường theo Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ sớm thống nhất để tạm thời tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của công văn 6807. Các đơn vị y tế không nên hoang mang, ngay đầu tuần tới, Bộ Y tế và BHXH sẽ thống nhất để làm rõ hơn và có hướng dẫn cụ thể hơn gửi tới các đơn vị.

P.V (theo CAND)
Bình luận

Tin khác

Back To Top