Giai đoạn nguy hiểm của trẻ khi mắc sốt xuất huyết

14:47 - Thứ Hai, 30/05/2022 Lượt xem: 5382 In bài viết

Khi trẻ bớt sốt vào ngày 3-7 của bệnh sốt xuất huyết, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, do đó phụ huynh cần chú ý theo dõi sát nhiệt độ.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Shutterstock)

Trước tình hình sốt xuất huyết đang gia tăng, việc cần phải có những kiến thức để theo dõi, chăm sóc trẻ rất quan trọng, đặc biệt khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà. 

Theo các chuyên gia, sau khi virus xâm nhập vào cơ thể qua muỗi đốt, trẻ sẽ trải qua thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3-13 ngày tùy thuộc vào thể trạng, sức đề kháng của trẻ. Trong thời gian ủ bệnh, gần như không xuất hiện triệu chứng hoặc nếu có triệu chứng cũng không rõ ràng.

Ở giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ sốt cao đột ngột, liên tục kèm nhức đầu, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, một số trẻ có chán ăn, buồn nôn.

ThS, BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, sốt xuất huyết nặng có thể xảy ra từ ngày thứ ba trở đi, đặc biệt, bệnh dễ trở nặng khi trẻ giảm sốt trong giai đoạn này; do đó phụ huynh cần chú ý theo dõi sát nhiệt độ.

Giai đoạn nguy hiểm, thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Biến chứng thường xảy ra trong giai đoạn này: trẻ đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.

Giai đoạn này trẻ dễ bị xuất huyết da và niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu ra máu… Trẻ có cảm giác buồn nôn hay nôn ói, nặng hơn trẻ có biểu hiện vật vã, lừ đừ, li bì. Nếu vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ vào giai đoạn phục hồi, trẻ khỏe dần lên, bắt đầu thèm ăn và đi tiểu nhiều hơn.

Theo bác sĩ Kim Thoa, không phải cứ hết sốt là trẻ đã khỏi sốt xuất huyết. Thường thì khi trẻ bớt sốt vào ngày 3-7 của bệnh, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm.

Khi trẻ bị sốt xuất huyết, việc tuân thủ quy định của bác sĩ rất quan trọng. Có những trường hợp trẻ cần được thăm khám nhiều lần trong ngày để đánh giá diễn tiến bệnh và theo dõi các xét nghiệm.

Sốt xuất huyết thường đi kèm với tổn thương gan, phần lớn trường hợp nhập viện đều ghi nhận men gan tăng.

Để tránh ảnh hưởng đến chức năng gan, phụ huynh nên hạ sốt bằng cách lau mát, chỉ nên hạ sốt khi bé trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt theo đúng liều bác sĩ cho, phụ huynh không tự động tăng liều hạ sốt.

"Cần chú ý chọn thuốc hạ sốt nhóm Paracetamol, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khác mà không có ý kiến của bác sĩ, vì có thể gây ra các biến chứng nặng như tổn thương gan, tổn thương não hay xuất huyết nặng", bác sĩ Thoa nói. 

Phụ huynh cần chú ý một số dấu hiệu cảnh báo trẻ đang nguy hiểm cần đưa đến bệnh viện ngay: bé ngủ nhiều, lừ đừ, không chơi, bứt rứt khó chịu, ói nhiều, không ăn uống được, quấy khóc liên tục; các bé lớn than đau bụng hoặc bé ói; bé uống nước không được; bé bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, đi cầu ra máu hay phân đen, tiểu ra máu; bé tiêu ít hoặc thở bất thường.

Không nên tự ý cho bé đi truyền dịch ở các sơ sở y tế ngoài bệnh viện vì khi sử dụng dịch truyền cho trẻ sốt xuất huyết, bác sĩ cần phải dựa trên xét nghiệm, thăm khám và đánh giá giai đoạn bệnh của trẻ để chọn lựa loại dịch truyền cũng như tốc độ và thời gian truyền dịch. Truyền dịch quá sớm hay quá trễ đều có hại cho trẻ.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, dù nhập viện sớm không cải thiện 100% tiên lượng nhưng chắc chắn sẽ tránh được tình trạng bệnh diễn tiến nặng và có nguy cơ gây ra biến chứng.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top