Triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn dịch sốt xuất huyết

07:25 - Chủ Nhật, 12/06/2022 Lượt xem: 6893 In bài viết

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 22 trường hợp tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3) và Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Bình Phước (mỗi địa phương một trường hợp). So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp.

Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, hiện nay đang là cao điểm dịch, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng đề nghị lãnh đạo các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Pasteur thành phố Hồ Chí Minh; Pasteur Nha Trang; Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, nhất là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng, chống sốt xuất huyết.

Các viện phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phụ trách. Kịp thời báo cáo và chủ động tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, bảo đảm phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

Các đoàn hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai công tác truyền thông cao điểm trong tháng 6 và 7/2022 hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết; vận động người dân lật úp các dụng cụ chứa nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng và diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; vận động cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội chủ động tham gia và phối hợp tốt với cơ quan y tế trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương. Các Viện tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng.

Cục Y tế dự phòng cũng đã đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết và hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6) với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Mặt khác tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến; tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch... cho cán bộ y tế dự phòng.

Tại Đồng Tháp, tính đến ngày 11/6 toàn tỉnh ghi nhận gần 2.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 1.400 ca so cùng kỳ năm trước, trong đó có 69 ca nặng và hai trường hợp tử vong. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Đoàn Tấn Bửu cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn và phải huy động tất cả lực lượng cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác truyền thông về sốt xuất huyết để từng hộ gia đình chủ động trong công tác phòng bệnh. Đề nghị các địa phương thường xuyên ra quân thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường chung quanh nơi ở, nơi sản xuất, nhất là ở các cụm tuyến dân cư; lực lượng y tế tăng cường xuống địa bàn để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh...

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top