Giải pháp cho tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc

14:58 - Thứ Tư, 13/07/2022 Lượt xem: 8833 In bài viết

Tình trạng cán bộ, nhân viên y tế của các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, bỏ việc chuyển ra các cơ sở ngoài công lập không phải là mới xảy ra. Tuy nhiên chỉ trong 1,5 năm qua có tới gần 9.400 cán bộ y tế nghỉ việc, bỏ việc thì vấn đề này nóng trở lại, đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài để ngăn chặn.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hà Nội trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh MỸ HÀ)

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 tổ chức ngày 4/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; sáu tháng đầu năm 2022 con số này là 4.113 người (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là do: thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu. Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Hằng ngày cán bộ y tế cơ sở đã nhiều việc, khi dịch Covid-19 xảy ra, công việc lại tăng cao khi phát sinh rất nhiều công việc khác… Nhiều cán bộ y tế phải làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ/ngày, trong khi đó môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng…

Trước làn sóng nhân viên y tế ở bệnh viện công nghỉ việc, bỏ việc, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp tổng thể và riêng ngành y tế không thể giải quyết được. TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, muốn biết được nguyên nhân chính xác của vấn đề này cần thiết phải có đánh giá tổng thể về thực trạng nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc. Theo đó, cần thống kê số lượng nhân viên y tế nghỉ việc trong cả nước từ Trung ương đến địa phương; đánh giá việc cán bộ y tế nghỉ việc là từ bệnh viện nào (tuyến trung ương, hay tuyến tỉnh); việc chuyển này ở chuyên khoa nào, có phải các chuyên khoa “hot” như: ngoại, giải phẫu thẩm mỹ, sản, răng hàm mặt…

Nhân lực y tế là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. (Ảnh: HÀ MY)

Mặt khác cần có đánh giá về lứa tuổi của các cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc, nếu ở độ tuổi 35 đến 40 (độ tuổi chững chạc về nghề nghiệp) thì việc họ chuyển đi là đáng lo ngại. Việc đánh giá thực trạng này cần phải phân loại tổng thể nguồn nhân lực theo chức danh nghề nghiệp như bác sĩ, kỹ thuật viên hay điều dưỡng viên... Chỉ đến khi có sự thống kê, đánh giá toàn diện, chúng ta mới có thể thấy được thực trạng, mức độ nghiêm trọng của vấn đề và từ đó mới tìm ra được nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục...

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký công văn đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình và nguyên nhân viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Thời điểm thống kê từ ngày 1/1 đến ngày 15/6/2022.

Nếu không sớm có giải pháp khắc phục trình trạng này, ngành y tế sẽ bị ảnh hưởng nhất. Các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được một lứa cán bộ có tay nghề, có chuyên môn vững vàng. Nhưng chính cá nhân nhân viên y tế đó cũng thiệt thòi vì mất cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công và phải chuyển dịch, thích ứng với chỗ làm việc. Khi có sự thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế lành nghề, chất lượng chăm sóc người bệnh chắc chắn sẽ không bảo đảm, người bệnh sẽ là đối tượng thiệt thòi nhiều nhất.

Tìm giải pháp giải quyết tình trạng nhân viên nghỉ việc, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, đối với vấn đề nhân lực ngành y bỏ việc, chuyển việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ: Y tế, Tư pháp, Nội vụ rà soát các quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành y; rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế hoàn thiện các chính sách, xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn cho hợp tác công tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, thu hút y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn lực cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Hướng dẫn thành lập trạm y tế theo kết luận của Bộ Chính trị, với mô hình trạm y tế không theo đơn vị hành chính mà theo yêu cầu khám, chữa bệnh, phù hợp với tình hình thực tế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá lại tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực giữa các địa bàn, giữa các tuyến, các chuyên môn, chuyên ngành y tế để điều chỉnh, bổ trợ cho nhau; có phương án bố trí đủ lượng người làm việc, đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, nguyên tắc là “ở đâu có bệnh nhân ở đó phải có người chữa bệnh”. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Theo các chuyên gia: phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Nhưng dù giải pháp gì cũng đều phải chú trọng vào tăng cường sức hấp dẫn của các bệnh viện công lập mới có thể giữ chân được các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc trong khu vực này.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top