Không chủ quan với bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn

07:15 - Thứ Hai, 08/08/2022 Lượt xem: 5014 In bài viết

ĐBP - Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh Trung ương do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh lây truyền sang người do muỗi đốt. Bệnh có diễn biến nặng, nguy cơ tử vong và di chứng cao. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản, song chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi, tuy nhiên người lớn cũng không nên chủ quan với bệnh này.

Tháng 7, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiếp nhận điều trị 1 ca mắc viêm não Nhật Bản. Bệnh nhân 24 tuổi, ở thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) đã điều trị ở Trung tâm Y tế huyện 5 ngày nhưng tình trạng sốt không đỡ, ý thức lơ mơ, nói nhảm. Sau khi điều trị tại khoa 1 tháng, bệnh nhân đã xuất viện nhưng để lại di chứng là nhận thức chậm chạp. Đây là trường hợp bị viêm não Nhật Bản nhẹ, vẫn tỉnh táo, đi lại được nhưng não đã bị ảnh hưởng.

Bác sĩ Hoàng Thị Hồng Thơm, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Ngoài trường hợp mắc viêm não Nhật Bản vừa xuất viện, tại khoa đang điều trị một bệnh nhân nữ 36 tuổi, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) bị viêm não, có biểu hiện giống bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau đầu, không tỉnh táo. Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, nhưng người lớn không nên chủ quan vì viêm não Nhật Bản ở người lớn diễn biến nặng lên rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao, có qua cơn nguy kịch cũng phải chịu các di chứng lâu dài, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bản thân. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 5 - 14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có một số biểu hiện như sốt, đau đầu, buồn nôn, rối loạn nghe nói, ảo giác, co giật, mất trí nhớ... Di chứng của bệnh ở người lớn có thể gặp là bại hoặc liệt tay chân, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm sút trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần, khả năng nghe kém hoặc điếc, co giật, nằm liệt giường, trở thành người thực vật. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 30% người mắc), đặc biệt hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Vì vậy việc phòng tránh bệnh là rất quan trọng.

Để phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản; phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ màn, vệ sinh môi trường sống, khơi thống cống rãnh, tránh ao tù nước đọng để hạn chế muỗi đẻ trứng, dùng thuốc trừ muỗi; vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, rời chuồng trại xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi; thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Khi có các dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top