Những xét nghiệm cần thiết để biết bạn mắc bệnh truyền nhiễm hay không?

14:57 - Thứ Sáu, 12/08/2022 Lượt xem: 6344 In bài viết

Trước việc lưu hành của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như cúm A, sốt xuất huyết, Covid-19... có những triệu chứng khá giống nhau, có các xét nghiệm được xem như tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán xác định bạn có mắc bệnh lý truyền nhiễm hay không.

(Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, trong tuần đầu tháng 8 ghi nhận 4.846 ca xét nghiệm cúm, trong đó có 1.455 ca cúm A (chiếm 30%), cúm B là 156 ca (chiếm 3,2%). So với cùng kỳ tháng 7, số lượng người xét nghiệm cúm tăng 467% và phát hiện cúm A tăng 144%.

Bên cạnh bệnh cúm đang hoành hành trong cộng đồng, Trung tâm tiếp tục ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết.

Thống kê tuần đầu tháng 8 ghi nhận 168 trường hợp dương tính sốt xuất huyết NS1 (+) trong tổng số 1.390 trường hợp xét nghiệm Dengue (chiếm 12%).

So với cùng kỳ tháng 7, tổng chỉ định làm xét nghiệm Dengue tăng 121% và số lượng có chẩn đoán Dengue với NS1 (+) tăng 305%.

Cùng thời gian này, Trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca mắc bệnh viêm đường hô hấp có kết quả RSV (+), bệnh Tay Chân Miệng có kết quả xét nghiệm EV71 (+).

Do các dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên làm các xét nghiệm được xem như tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán xác định các ca mắc bệnh lý hay không.

Thông thường, để phát hiện xem cơ thể có chứa virus không, với từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn làm xét nghiệm riêng biệt, hoặc xét nghiệm phối hợp cụ thể như sau:

Chẩn đoán cúm A, cúm B

+ Test nhanh cúm AB bằng phương pháp sắc ký miễn dịch để định tính và phân biệt được kháng nguyên của các loại virus A và B cho kết quả sau 10 đến 15 phút.

+ Xét nghiệm Real time RT-PCR có độ nhạy cao và hỗ trợ phân biệt các loại cúm gây bệnh rất nhanh chóng và chính xác.

+ Nuôi cấy virus.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thực hiện các xét nghiệm khác như công thức máu, CRP, xét nghiệm chức năng gan thận hay chụp X-quang phổi… để chẩn đoán về mức độ bệnh, nguy cơ biến chứng, hoặc xét nghiệm SAR-CoV-2 để chẩn đoán phân biệt...

Chẩn đoán sốt xuất huyết: Hiện nay có 3 xét nghiệm phổ biến được dùng để chẩn đoán bệnh lý này gồm:

+Xét nghiệm NS1: Thực hiện từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh nhằm tìm kháng nguyên của virus.

+Xét nghiệm kháng thể IgM: Thực hiện từ ngày thứ 6 trở đi nhằm xác định kháng thể chống lại virus trong giai đoạn cấp tính.

+Xét nghiệm kháng thể IgG: Xác định kháng thể virus, tồn tại lâu dài trong cơ thể.

Trong quá trình chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh, các bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm khác như: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm điện giải đồ, xét nghiệm chức năng gan, thận, xét nghiệm Albumin, xét nghiệm CRP.

Chẩn đoán virus hợp bào hô hấp (RSV): Có 2 phương pháp chủ yếu hiện nay gồm:

+Test nhanh: phát hiện định tính kháng nguyên virus hợp bào đường hô hấp (RSV) gây bệnh ở trẻ nhỏ.

+PCR: Phát hiện chính xác sự có mặt DNA đặc trưng của Epstein-Barr virus (RSV) - virus hợp bào đường hô hấp trong mẫu bệnh phẩm.

Chẩn đoán bệnh chân tay miệng:

Bên cạnh việc dựa trên các biểu hiện lâm sàng với các biểu hiện đặc trưng như ở tay, chân, miệng, mông, để chẩn đoán sớm và chẩn đoán phân biệt nhiễm EV71 với các nhiễm do virus khác, cần sử dụng xét nghiệm phát hiện kháng thể IgM của EV71 (làm trong ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng của bệnh).

Ngoài ra, trong một số trường hợp cần làm xét nghiệm protein C phản ứng (CRP), xét nghiệm đường huyết, điện giải đồ, X-quang phổi, xét nghiệm công thức máu.

Việc làm xét nghiệm này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân mắc bệnh, mà bác sĩ có cơ sở để theo dõi diễn biến và điều trị kịp thời, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.

Do đó, người dân cần đến cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để được thăm khám và thực hiện xét nghiệm đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top