Không chủ quan với bệnh cúm B

08:15 - Thứ Hai, 15/08/2022 Lượt xem: 5381 In bài viết

ĐBP - Vi rút gây bệnh cúm ở người được chia làm 3 chủng cúm A, B, C. Trong đó, cúm B là cúm chỉ lây từ người sang người, có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và lây truyền quanh năm. Triệu chứng cúm B thường nhẹ hơn so với biểu hiện của cúm A, tuy không phổ biến như các chủng cúm khác nhưng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đối với các nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, có bệnh lý nền mạn tính, trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai và sau sinh.

Trẻ em điều trị bệnh cúm tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta chưa ghi nhận ca mắc cúm B. Tuy nhiên, cúm B thường có một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh thuộc đường hô hấp trên khác nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn. Việc phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm cúm B giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho người xung quanh, ngăn chặn bệnh chuyển nặng và có hướng điều trị kịp thời. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm vi rút cúm B chỉ khoảng 1 - 3 ngày và không xuất hiện các dấu hiệu bệnh rõ ràng. Tiếp đó, bệnh sẽ diễn tiến trong khoảng 3 - 5 ngày với những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao đến 410C kèm theo đau họng, hắt hơi, sổ mũi, ho. Cúm B lây nhiễm qua dịch tiết mũi họng và tiếp xúc nên trong thời gian ủ bệnh, vi rút vẫn có thể lây nhiễm sang người khỏe mạnh.

Một số triệu chứng của cúm B như ho, đau hoặc ngứa rát cổ họng, viêm họng, đau mỏi người, yếu cơ, cảm giác lạnh, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục, sốt cao, buồn nôn và nôn, chán ăn, khô miệng… Đối với trẻ dưới 5 tuổi, khi bị nhiễm cúm B rất dễ sốt cao, có thể gây co giật rất nguy hiểm hoặc tiêu chảy, nôn mửa gây mất nước, mệt lả; với những người bị hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… thì các biểu hiện sẽ có khả năng nặng hơn, thậm chí gây ra một đợt cấp nghiêm trọng.

Đa phần các triệu chứng cúm sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có những người nguy cơ cao (trẻ em, phụ nữ có thai, sau sinh, người có bệnh nền mạn tính…) dễ gặp các biến chứng khi bị cúm B: Suy hô hấp, suy tuần hoàn, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm não, viêm màng não, viêm não tủy... Những đối tượng có nguy cơ cao không nên chủ quan điều trị tại nhà, nên đến cơ sở y tế khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị kịp thời. Bệnh cúm B hiện nay chưa có thuốc đặc trị riêng mà chủ yếu điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể.

Để chủ động phòng, chống hiệu quả bệnh cúm B, bác sĩ Bùi Quang Thắng khuyến cáo, người dân cần phải tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch, vì người đã tiêm phòng nếu mắc bệnh sẽ giúp giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh; đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm; người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc; nếu có triệu chứng ho, sốt cao, sổ mũi, mệt mỏi… ngày càng tăng nặng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top