Xuất hiện hàng loạt biến thể, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống ứng phó dịch Covid-19

13:40 - Thứ Ba, 16/08/2022 Lượt xem: 5732 In bài viết

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, báo cáo các trường hợp mắc Covid-19. Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và Việt Nam. 

Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Ngoài ra, một số địa phương thông báo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ánh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch. 

Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ánh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch. 

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục thực hiện khai báo lấy mã số bệnh nhân trên hệ thống cấp mã số tự động của Bộ Y tế ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện trường hợp mắc Covid-19. 

“Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong”, Cục Y tế dự phòng nêu rõ. 

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các địa phương tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc Covid-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Cục Y tế dự phòng để kịp thời để báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, thời gian qua, Sở Y tế Hải Phòng đăng ký bổ sung 402.830 ca, Thái Nguyên đăng ký bổ sung 152.485 ca, tiếp đó Nghệ An bổ sung hơn 4.400 ca mới.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.367.479 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin. Chính vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhưng áp dụng một số biện pháp phòng, chống như với bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023, trên cơ sở kế hoạch Chiến lược chuẩn bị và đáp ứng Covid-19 của WHO, với 2 tình huống. Cụ thể:

Tình huống 1: Chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B. 

Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm theo yêu cầu đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top