Đột quỵ, ung thư ngày càng trẻ hóa

14:09 - Thứ Hai, 03/10/2022 Lượt xem: 5419 In bài viết

Ghi nhận tại các bệnh viện trong thời gian gần đây cho thấy, xu hướng bệnh nhân bị đột quỵ, ung thư đang ngày càng trẻ hóa. Điều đáng nói là do chủ quan nên không ít người trẻ tuổi đã đánh mất “thời gian vàng” chữa trị. Do đó, bên cạnh việc xây dựng một lối sống lành mạnh, người trẻ tuổi cần quan tâm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, điều trị kịp thời nếu có bệnh.

Bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Ảnh: Xuân Lộc

Gia tăng người trẻ tuổi nhập viện vì ung thư, đột quỵ

Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), nếu như năm 2018, Việt Nam có 165.000 trường hợp mắc mới ung thư, thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên 182.000 trường hợp. Số người tử vong vì ung thư trong năm 2020 là 122.690 trường hợp, gấp 18 lần tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm. Hiện tại, có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Điều đáng nói, tỷ lệ mắc mới ung thư và trẻ hóa ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.

Về nguyên tắc, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc ung thư càng lớn. Thế nhưng, có những loại ung thư ở thập kỷ trước thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, trung niên, nay lại xuất hiện ở người trẻ. Chẳng hạn như ung thư dạ dày, gan, vú…, trước đây, các bác sĩ thường gặp bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay có những trường hợp 25-30 tuổi đã mắc bệnh.

Trung bình mỗi tuần, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) phẫu thuật từ 2 đến 3 ca bị ung thư dạ dày. Chia sẻ về ca bệnh 25 tuổi bị ung thư dạ dày di căn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa cho biết, bệnh nhân là lao động tự do, khoảng 4 tháng trước khi tới bệnh viện đã xuất hiện triệu chứng đau vùng thượng vị, ăn uống khó tiêu… Do công việc bận rộn nên bệnh nhân chủ quan không đi khám. Khi bụng đau nhiều, ăn gì nôn đó, bệnh nhân mới tới bệnh viện. Lúc này, căn bệnh ung thư đã bước vào giai đoạn cuối. Tương tự, sau khi xuất hiện hiện tượng chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải, một người đàn ông 34 tuổi đã đến bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn muộn.

Giống như ung thư, đột quỵ ở người trẻ cũng đang gia tăng. Theo Tổ chức đột quỵ Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua. Tại Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi chiếm khoảng 25% số ca ghi nhận. Bác sĩ Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho hay, trước đây đột quỵ thường là bệnh lý của người già, nhưng ngày nay, số lượng người trẻ bị đột quỵ chiếm khoảng 20-25% tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện.

Những thói quen gây bệnh đáng báo động

Ngoài nguyên nhân bệnh lý, các chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ từ lối sống, thói quen sinh hoạt, khiến căn bệnh đột quỵ bị trẻ hóa như hiện nay.

Theo bác sĩ Phạm Văn Cường, nhóm nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ do thói quen xấu đang gia tăng, như: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, thức quá khuya… Những thói quen xấu này khiến cho người trẻ tuổi tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì… và đến gần hơn với đột quỵ.

Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Với hiện tượng tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì…, nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, rượu bia. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, yếu tố đông máu…, thì cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc, loại trừ nguy cơ.

Cũng đề cập đến yếu tố môi trường khiến căn bệnh ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng có xu hướng gia tăng ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà dẫn chứng, làm việc trong môi trường căng thẳng khiến tình trạng viêm, loét dạ dày kéo dài và khó chữa hơn, từ đó tiến triển thành bệnh ung thư. Ngoài ra, một số thói quen có thể dẫn đến ung thư dạ dày, như: Lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá), ăn các loại thức ăn có nhiều nitrat: Đồ muối, dưa muối, thịt hun khói…

“Không ít bệnh nhân trẻ tuổi tình cờ phát hiện sớm ung thư dạ dày, dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh là từ 72% đến 92%; còn phát hiện muộn, tỷ lệ khỏi bệnh giảm dần và khi đó việc điều trị chỉ mang tính chất kéo dài thời gian sống”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà cho biết.

Bộ Y tế khuyến cáo, phát hiện ung thư càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm chi phí. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top