Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần, trầm cảm tăng khoảng 25% so với trước khi có đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, số người bị trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Số người bị trầm cảm sau đại dịch Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Kinh tế biến động ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Đại dịch Covid-19 có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội và sức khỏe con người. Đến nay, WHO vẫn chưa thể khẳng định bao giờ đại dịch chấm dứt và việc phải chung sống với Covid-19 dường như là một thực tại hiện hữu.
Thời gian dài cách ly xã hội trước đó đã khiến một số người có tâm lý ngại đến nơi công cộng, thường xuyên căng thẳng, hoang mang, lo âu. Dù dịch bệnh hiện đã được kiểm soát nhưng nhiều người vẫn rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý nghiêm trọng, dẫn đến trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc. Nếu như trước kia, số người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi thì hiện nay, trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí lan tới người trong độ tuổi từ 15 - 27.
Gần đây, các bệnh viện ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên. Việc thường xuyên gặp áp lực học hành, thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam.
Thêm vào đó, dịch bệnh cũng có tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Tình trạng thất nghiệp hay mức lương sụt giảm khiến nhiều người trẻ dễ bị cáu giận, tâm lý kích động, luôn cảm thấy cô đơn, mất mát.
Ước tính tại Việt Nam có khoảng 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm thần; tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được sự hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Đáng nói là một bộ phận thanh, thiếu niên thường lạm dụng rượu, thuốc lá, chất kích thích, coi đó như một cách giải tỏa áp lực tâm lý. Điều này khiến tình trạng bệnh ở họ ngày càng nặng, thậm chí có những hành vi gây nguy hiểm với xã hội.
Cảnh giác trước khả năng rối loạn tâm thần dẫn đến trầm cảm
Ghi nhận tại các bệnh viện, vấn đề mà mọi người lo lắng nhất sau khi mắc Covid-19 có liên quan tới bệnh lý tâm thần, thần kinh. Với nhiều người, qua thời gian, sự lo lắng dần dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, rối loạn ý thức.
Về nguyên nhân dẫn đến trầm cảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo ThS.BS Bùi Phương Thảo (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội), các tác động tiêu cực của đại dịch khiến con người không kịp thích ứng, từ đó gây chứng trầm cảm ở nhóm người dễ bị tổn thương. "Mặt khác, nỗi lo sợ bị nhiễm bệnh, sự đau khổ do mất người thân, bị thất nghiệp, giảm thu nhập, hoặc bị bệnh mà không tiếp cận được các dịch vụ y tế trong thời kỳ dịch bệnh cũng khiến tỉ lệ trầm cảm gia tăng" - bác sĩ Thảo thông tin.
Đáng lo ngại, trầm cảm cũng là một trong số nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở Việt Nam. Ước tính, mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, cần có một chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. "Áp lực trong cuộc sống gia tăng do dịch Covid-19. Đó có thể là áp lực do thất nghiệp, thu nhập giảm, nợ nần hoặc mâu thuẫn tình cảm, xung đột trong gia đình, những mối quan hệ cá nhân mà người ta không giải quyết được. Nếu có một chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt và có dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội thì số người tự tử có lẽ sẽ giảm" - Tiến sĩ Hồng nhấn mạnh. Các chuyên gia cũng nhận định, dịch bệnh sẽ còn kéo dài nên chúng ta phải xác định chung sống với dịch một cách an toàn, tuyệt đối không được chủ quan.
Tinh thần "chung sống an toàn với dịch bệnh" cần được cụ thể hóa bằng hành động thực tế ở mọi lúc mọi nơi, từ học tập, đi lại, sản xuất, kinh doanh, vui chơi... tới chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Mỗi người cố gắng tự bảo vệ bằng cách thực hiện đúng hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế..., nỗ lực cải thiện điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần để giảm lo âu, căng thẳng.